Ngày 19/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn gửi UBND các tỉnh, thành về việc tăng cường chỉ đạo công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục.
Văn bản nêu rõ, thời gian qua, một số trường học để xảy ra tình trạng học sinh bị ngộ độc thực phẩm, nhiễm ký sinh trùng, các bệnh lây qua đường tiêu hóa, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của học sinh, uy tín của nhà trường, gây lo lắng cho gia đình học sinh và bức xúc trong dư luận xã hội.
Để khắc phục, Bộ Giáo dục đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Giáo dục kết hợp với Sở Y tế và các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên nhà trường, học sinh và phụ huynh về việc đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm.
Các cơ sở giáo dục cần kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu: chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thức ăn theo đúng quy định. Các trường cần tăng cường vệ sinh trường học để phòng, chống các bệnh truyền nhiễm; chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh trong trường, đặc biệt là trong giai đoạn thời tiết giao mùa - điều kiện thích hợp để dịch bệnh bùng phát.
Nhà trường, gia đình, chính quyền địa phương cần tăng cường phối hợp trong việc giáo dục, hướng dẫn học sinh thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường như rửa tay bằng xà phòng, tuân thủ ăn chín uống sôi; đảm bảo dinh dưỡng phù hợp với độ tuổi, thể trạng của trẻ và điều kiện gia đình các em.
"Ngành Giáo dục, ngành Y tế tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, huy động sự tham gia của Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường trong việc giám sát công tác vệ sinh trường học, an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục", công văn nêu.
Công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo được đưa ra sau khi sự việc thịt lợn nổi đầy hạch xuất hiện trong bếp ăn Trường Mầm non Thanh Khương (Thuận Thành, Bắc Ninh) khiến phụ huynh lo lắng, ồ ạt đưa con ra Hà Nội xét nghiệm sán lợn. Đến hiện tại, có 209 ca dương tính với sán lợn.
Trước đó, vào cuối năm 2018, phụ huynh học sinh Trường Mầm non Đồn Xá (Hà Nam) đã phát hiện rau sâu thối, tôm ươn và chân giò lợn còn đầy lông, dính phân ở móng trong bếp ăn nhà trường. Từ phản ánh của phụ huynh, chính quyền địa phương đã yêu cầu trường đổi nhà cung cấp thực phẩm và rút kinh nghiệm.
Cuối năm 2017, phụ huynh Vĩnh Phúc phát hiện xe chở trứng thối, rau củ có dòi bên trong đang được vận chuyển vào trường Tiểu học Lý Nhân buộc cơ quan chức năng phải vào cuộc.