Theo Ban đề thi tuyển sinh, câu 34 mã đề 429 yêu cầu dùng 1 trong các chất CuO, Al, Cu, Fe để làm thuốc thử nhận biết 3 axit: HNO3, HCL và H2SO4. Theo cách lý giải của em học sinh lớp 12, nếu dùng Fe thì chưa thể nhận biết ngay được axit mà phải dùng thêm thuốc thử FeCL2 là không đúng với yêu cầu của câu hỏi.
Chỉ có Cu mới là thuốc thử nhận biết ngay 3 axit trên. Vậy đáp án đúng là C (dùng Cu). Ba phương án còn lại đều sai.

Thí sinh so sánh bài làm sau giờ thi. Ảnh: Hoàng Hà.
Câu 21 mã đề 429,
đáp án đúng là C. Phương án A là sai vì còn ZnO. Theo ban đề, câu hỏi liên quan đến phương pháp nhiệt luyện này được ghi rõ trong sách giáo khoa lớp 12 (phân ban và không phân ban).Trang 102 SGK lớp 12 không phân ban: "Phương pháp nhiệt luyện: Dùng chất khử CO2, H2, C hoặc kim loại (Al) có thể khử ion kim loại trong oxit ở nhiệt độ cao... Bằng phương pháp này, người ta có thể điều chế được những kim loại có tính khử yếu và trung bình".
Trang 92 SGK lớp 12 phân ban thí điểm: "Phương pháp nhiệt luyện: Cơ sở của phương pháp này là khử những ion kim loại trong oxit ở nhiệt độ cao bằng các chất khử như C, CO2, H2, hoặc kim loại Al ... để điều chế những kim loại hoạt động trung bình".
Trong dãy điện hóa, những kim loại đứng sau Al là Zn, Fe, Cu... Do đó, khi cho luồng H2 (dư) qua hỗn hợp các oxit CuO, Fe2O3, ZnO, MgO nung ở nhiệt độ cao thì chỉ có MgO không bị khử, các oxit còn lại đều bị khử về kim loại tương ứng Cu, Fe, Zn.
Tiến Dũng
Ý kiến bạn đọc về đề trắc nghiệm Hóa học:
Người gửi: Nguyễn Thế Năng
Gửi tới: Ban Xã hội
Tiêu đề: bàn về đáp án tuyển sinh dại học môn Hoá
Theo em, câu số 21 mã 429 môn Hoá nên được xem xét lại bởi câu này nằm ngoài chương trình học. Hơn nữa các thày dạy Hoá cũng chưa chắc đã có cùng quan điểm về câu này.
Có thày nói ZnO bị CO khử nhưng có thày lại bảo không bị H2 khử. Học sinh chúng em cũng không biết phải làm như thế nào. Thậm chí trong nhiều sách tham khảo cũng không đề cập đến vấn đề này. Phải chăng nên chấp nhận cả 2 đáp án?
Người gửi: Đỗ Hoàng Giang
Gửi tới: Ban Xã hội
Tiêu đề: Tiếp theo ý kiến bạn đã nêu
Khi sử dụng Fe để phân biệt 3 dung dịch ta có muối FeCl2 tác dụng với dung dịch HNO3 tạo khí nâu đỏ mà không cần đun nóng. Trong khi H2SO4 đặc, nguội sẽ không cho khí nâu đỏ. Nghĩa là khi sử dụng Fe thì đã không làm thay đổi bản chất của dung dịch.
Nếu được phép đun nóng như cách của Bộ thì câu này có đến 3 đáp án đúng là Al, Cu và Fe. Còn nếu không làm thay đổi bản chất của ba dung dịch cần phân biệt thì chỉ có thể sử dụng Fe.
Người gửi: Bùi Quỳnh Anh
Gửi tới: Ban Xã hội
Tiêu đề: ý kiến về bài thi ĐH môn Hoá
Bản thân em cũng suy nghĩ như bạn học sinh chuyên Toán - Tin nên đã chọn phương án "Fe". Rất nhiều bạn thi ĐH cũng không thoả mãn với đáp án mà Bộ đưa ra. Không thể lấy lí do "chỉ là trên lý thuyết "bởi thực sự những học sinh ở thủ đô như bọn em 1 năm học chỉ được thực hành 3-4 lần huống chi những bạn ở tỉnh lẻ. Em mong Bộ GD&ĐT xem xét lại và có lời giải thích chính xác cho câu hỏi trên.
Người gửi: Trần Trung Thông
Gửi tới: Ban Xã hội
Tiêu đề: Phải rút kinh nghiệm trong việc ra đề thi
Đáp án A (Fe) là kết quả chính xác để nhận biết 3 dung dịch trên. Theo như lời giải thích của thày thì đó chỉ là trên lý thuyết nhưng trong chương trình giảng dạy có đề cập đến vấn đề này, vì vậy lời giải của bạn thí sinh là đúng.
Về vấn đề này tôi nghĩ Bộ phải có 1 đáp án chính xác hơn để thí sinh không bị thiệt trong trường hợp này. Qua đó, Bộ cần rút ra kinh nghiệm khi ra đề để tránh tình trạng nhạy cảm này.
Người gửi: Nhà giáo Nguyễn Hữu Mại
Gửi tới: Ban Xã hội
Tiêu đề: Bình luận về một số ý câu trong mã đề 748
Theo tôi, đáp án như của Bộ là hợp lý, đơn giản, phù hợp với tính chất lý, hoá học của 3 chất đó trong chương trình phổ thông. Cách nhận biết như sau là đơn giản, chính xác nhất:
Trước hết, mở nút 3 lọ, quan sát từ hai miệng lọ có hiện tượng ''bốc khói'' thì đó là dung dịch HCl đặc và HNO3 đặc, không bốc khói là H2SO4 đặc.
Để phân biệt lọ đựng dung dịch HCl đặc với HNO3 đặc, ta bỏ đồng (CU) vụn vào ống nghiệm đựng chừng 2 ml mẫu cần nhận biết và quan sát: không có hiện tượng gì là HCl đậm đặc, có khí màu nâu bay ra là HNO3 đặc nguội.
Tuy nhiên, Hóa học là môn gắn liền với thực nghiệm nên trong đề thi việc diễn đạt ngôn từ phải chính xác như thực nghiệm. Xin có lời bàn:
Câu 7: Nhỏ từ từ cho đến dư dung dịch NaOH vào AlCl3. Hiện tượng xảy ra như đáp án của Bộ. Đấy là đáp án chính xác.
Câu 8: Trộn dung dịch chứa a mol AlCl3 với dung dịch chứa b mol NaOH. Để thu được kết tủa thì cần có tỉ lệ a:b>1:4 (theo như đáp án). Thực nghiệm cho biết, điều đó chỉ đúng khi nhỏ từ từ dung dịch NaOH vào dung dịch muối nhôm (như cách diễn đạt ở câu 7).Còn nếu nhỏ dung dịch muối nhôm vào NaOH (môi trường kiềm mạnh) thì kết tủa xuất hiện nhưng lại tan...
Nhà giáo Nguyễn Hữu Mại - dạy Hoá THPT