Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa lấy ý kiến của các Sở, nhà trường cho dự thảo Thông tư về Quy chế tuyển sinh THCS và THPT mới.
Trong đó, với tuyển sinh lớp 10, Bộ đưa ra hai phương án: Xét tuyển hoặc thi tuyển. Nếu xét tuyển, các địa phương căn cứ vào học bạ THCS. Trường hợp thi tuyển, kỳ thi diễn ra với ba môn, gồm Toán, Văn và một môn được bốc thăm ngẫu nhiên, thuộc chương trình mới. Môn này được công bố trước ngày 31/3 hàng năm. Những học sinh thi trường chuyên sẽ thi thêm môn chuyên tương ứng.
Hiện nay, ở bậc THCS, học sinh học 10 môn bắt buộc, gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Công nghệ, Tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật.
Về thời gian làm bài, môn Toán diễn ra trong 90 phút, Ngữ văn 120 phút, môn còn lại không quá 90 phút, môn chuyên 150 phút.
Các tỉnh, thành chủ động ra đề thi, có thể tự luận hay trắc nghiệm, hoặc kết hợp cả hai. Nội dung đề thi thuộc chương trình THCS, chủ yếu lớp 9, riêng môn chuyên phải đảm bảo chọn được học sinh có năng khiếu về môn đó.
Ở khâu chấm thi, Bộ đề xuất tổ chức chấm chung ít nhất 10 bài tự luận, sau đó là hai vòng chấm độc lập. Với môn trắc nghiệm, bài thi được chấm bằng máy.
Phản ứng của giáo viên với phương án bốc thăm môn thứ ba
2025 là năm đầu tiên kỳ thi lớp 10 được tổ chức theo chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình 2018). So với chương trình cũ, nhiều môn được dạy tích hợp như Lịch sử - Địa lý và Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học). Vì vậy, định hướng đề, nội dung và số lượng môn thi được phụ huynh và thí sinh quan tâm.
Hiện, việc tuyển sinh lớp 10 công lập do các địa phương chủ động về thời gian, cách tuyển. Bộ chỉ quy định các trường hợp được tuyển thẳng, ưu tiên và một số loại giấy tờ.
Quảng Nam là địa phương đầu tiên công bố phương án tuyển sinh lớp 10 năm tới, kết hợp điểm thi Toán, Văn, Anh với học bạ 4 năm THCS. Trong khi đó, TP HCM, Hà Nội và Hải Phòng công bố đề minh họa theo chương trình mới để thầy cô và học sinh có định hướng ôn tập.
Thanh Hằng