Nội dung trên nằm trong văn bản của Bộ gửi các trường hôm 9/12 về "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050".
Theo Bộ, trường đại học có thể tìm thêm nguồn hỗ trợ kinh phí từ doanh nghiệp, tăng cường hợp tác để sinh viên thực tập, thực hành tại doanh nghiệp và được tuyển dụng sau khi ra trường.
Ngoài ra, các trường cần ưu tiên cử giảng viên đi học tiến sĩ; thu hút chuyên gia ở nước ngoài về làm việc; nghiên cứu thành lập trường, khoa... chuyên đào tạo và nghiên cứu về bán dẫn.
Bộ cũng yêu cầu trường đại học xây dựng chương trình đào tạo nhân lực chất lượng cao ở cả ba công đoạn của ngành công nghiệp bán dẫn là thiết kế, sản xuất và kiểm thử, đóng gói; tuyển sinh bảo đảm số lượng và chất lượng.
Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng của ngành sản xuất chip và linh kiện bán dẫn. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, cả nước cần 10.000 kỹ sư mỗi năm, nhưng nguồn nhân lực hiện đáp ứng chưa tới 20%.
Công ty nghiên cứu Technavio dự đoán thị trường chất bán dẫn tại Việt Nam tăng thêm 1,65 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2025, tốc độ tăng khoảng 6,5% mỗi năm.
Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn" đặt mục tiêu đến năm 2030, các cơ sở đào tạo được ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên. Đến năm 2050, Việt Nam có đội ngũ nhân lực mạnh, gia nhập vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, đáp ứng yêu cầu phát triển cả về chất lượng và số lượng.
18 trường đại học được ưu tiên đầu tư ngân sách để hình thành, nâng cấp phòng thí nghiệm bán dẫn. Khoảng 1.300 giảng viên sẽ được đào tạo chuyên sâu về ngành công nghiệp bán dẫn.
Hiện, học phí các ngành, chương trình thuộc lĩnh vực vi mạch, bán dẫn ở các trường từ 16 đến 78 triệu đồng một năm.
Dương Tâm