Sau khi đánh giá những ảnh hưởng nặng nề do bão Yagi gây ra, ngày 18/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương căn cứ mức độ thiệt hại của người dân để xem xét hỗ trợ cho học sinh, đặc biệt những em ở vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Trước đó, cơ quan này đã đề nghị các trường đại học ưu tiên bố trí nguồn lực để miễn giảm học phí và có chính sách hỗ trợ tài chính phù hợp với từng sinh viên; hướng dẫn sinh viên vay vốn, khắc phục khó khăn sau bão.
Hiện, chính sách học phí thuộc thẩm quyền của địa phương và các trường đại học.
Theo nghị định 81 (năm 2021) và 97 (năm 2023) của Chính phủ, trần học phí công lập ở mầm non và phổ thông từ 50.000 đến 650.000 đồng một học sinh, một tháng. Hiện, các địa phương thu mức 8.000 đến 340.000 đồng, tùy cấp học và địa bàn. Riêng trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh tiểu học được miễn học phí.
Đến giữa tháng 9, hơn 40 tỉnh, thành đã thông qua học phí năm học mới. Trong đó, bốn địa phương hỗ trợ toàn bộ cho trẻ mầm non đến hết lớp 12 là Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng và Đà Nẵng. Riêng Long An giảm 50% học phí cho trẻ em dưới 5 tuổi và 100% học phí cho học sinh THCS công lập. Ngoài ra, học sinh thuộc diện chính sách được hỗ trợ theo quy định của của Chính phủ.
Với bậc đại học, mức học phí từ gần 2 triệu đến 25 triệu đồng mỗi tháng, phổ biến là 2-4 triệu đồng. Nhiều trường đã chủ động thống kê số sinh viên bị ảnh hưởng bởi bão Yagi để hỗ trợ về tài chính, như giãn thời gian đóng học phí, cấp học bổng.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo đến ngày 16/9, ngành giáo dục 18 tỉnh, thành thiệt hại hơn 1.200 tỷ đồng về cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học. Học sinh ở 18 tỉnh, thành phía Bắc mất gần 41.600 bộ sách giáo khoa do lũ lụt.
Bão Yagi và hoàn lưu của bão còn khiến 52 học sinh, trẻ em và 3 giáo viên tử vong; một số học sinh, giáo viên bị mất tích hoặc bị thương; 17 trường học không thể khôi phục, phải xây mới trong thời gian tới; 99 trường chưa xác định được thời gian mở cửa đón học sinh học trực tiếp.