Trong công văn ngày 6/6 gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành về phối hợp tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương có phương án dự phòng để ứng phó các tình huống bất thường.
Cụ thể, các tỉnh, thành đảm bảo điện, nước ổn định, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh, không để thí sinh phải bỏ thi vì khó khăn về kinh tế, điều kiện đi lại hoặc do ảnh hưởng của dịch bệnh, thời tiết cực đoan.
PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, chia sẻ việc đảm bảo điện ổn định là đặc biệt cần thiết với các kỳ thi lớn như thi tốt nghiệp THPT. Điều này không chỉ giúp thí sinh bớt vất vả, đảm bảo sức khoẻ mà còn giúp đảm bảo an toàn, an ninh ở nhiều khâu như in sao, bảo quản đề thi.
Thực tế những ngày qua, nhiều địa phương ở miền Bắc phải cắt điện luân phiên do thiếu điện. Việc cắt điện không chỉ trong 1-2 giờ mà có khi cả ngày. Cuối tháng 4, EVN dự báo miền Bắc có thể thiếu 1.600-4.900 MW trong mùa khô. Tại cuộc hợp báo Chính phủ chiều 4/6, Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải thừa nhận điều này "không còn là nguy cơ" khi một số nơi đã thiếu điện cho sản xuất, sinh hoạt.
Việc cắt điện khiến học sinh nhọc nhằn ôn thi, nhất là khi nhiều nơi bị cắt điện bất ngờ. Trong kỳ thi vào lớp 10 ở trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội đầu tuần trước, toàn trường thi mất điện trong khoảng 10 phút, khiến nhiều học sinh, phụ huynh không hài lòng.
Ngoài đảm bảo điện, nước đầy đủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các địa phương chú trọng công tác vận chuyển, bảo quản đề thi, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông, thông tin liên lạc.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay diễn ra trong hai ngày 28-29/6 với hơn một triệu thí sinh tham dự. Học sinh lớp 12 làm bốn bài thi gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và lựa chọn một trong hai bài tổ hợp là Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học), Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân với giáo dục phổ thông; hoặc Lịch sử, Địa lý với giáo dục thường xuyên).