- Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá thế nào về các cuộc thi dành cho học sinh hiện nay?
- Báo cáo của các Sở Giáo dục, kết quả rà soát của Bộ cho thấy, số lượng cuộc thi dành cho giáo viên và học sinh hiện nay còn nhiều, chồng chéo. Một số cuộc thi chủ yếu tập trung kiểm tra kiến thức lý thuyết mà học sinh đã học ở trường, hạn chế trong việc tạo cơ hội để các em được rèn luyện, trải nghiệm và phát triển kỹ năng, hình thành năng lực. Các địa phương sử dụng kết quả một số cuộc thi để cộng điểm ưu tiên, tuyển thẳng trong tuyển sinh đầu cấp khiến một số học sinh tham gia cùng lúc nhiều cuộc thi với động cơ kiếm thêm điểm ưu tiên. Hậu quả là gây quá tải, tốn thời gian và ảnh hưởng không tốt tới kết quả giáo dục.
Qua theo dõi cũng như phản ánh, có những bố mẹ cho con luyện thi hàng ngày, luyện đến mức câu gì cũng biết đáp án. Điều đó vừa tạo áp lực không cần thiết cho các em, vừa gây ra tác dụng ngược, không phát triển được kỹ năng và hình thành năng lực. Khi đó, mặc dù câu hỏi ở các mức độ vận dụng, vận dụng cao nhưng tác dụng đối với học sinh này không hơn một câu hỏi ở mức độ nhận biết. Rất tiếc đã có phụ huynh không nhận thức đúng điều này, tước mất cơ hội phát triển năng lực của con mình, làm mất ý nghĩa tốt đẹp của cuộc thi.
Vụ phó Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Xuân Thành. |
- Để giảm tải cho học sinh, nhất là lứa tuổi tiểu học, ông nghĩ gì trước đề xuất cấm các cuộc thi?
- Mục đích tổ chức các cuộc thi là tạo sân chơi bổ ích để học sinh có thêm cơ hội trải nghiệm kiến thức, hình thành năng lực. Đây là điều cần thiết, đáp ứng mục tiêu giáo dục phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh.
Tuy nhiên, do có những quyền lợi nhất định trong tuyển sinh, dẫn đến có hiện tượng như cạnh tranh không lành mạnh, gây áp lực không đáng có. Chính vì vậy, Bộ đã ban hành Công văn số 1915 (ngày 5/5) về tinh giảm các cuộc thi để đảm bảo chất lượng, hiệu quả của các cuộc thi và khắc phục tình trạng trên.
Việc cấm hoàn toàn các cuộc thi không phải là giải pháp tốt. Vấn đề là cuộc thi đó được tổ chức với nội dung gì, hình thức tổ chức thế nào để tạo cơ hội cho học sinh được hoạt động trải nghiệm sáng tạo, hình thành năng lực và phẩm chất.
- Bộ đã có văn bản tinh giảm các cuộc thi, nhưng chưa triệt để khi cơ chế cộng điểm, ưu tiên xét tuyển thẳng vẫn duy trì trong tuyển sinh. Tại sao không xóa bỏ việc cộng điểm ưu tiên này?
- Công văn số 1915 nêu rõ: "Không sử dụng kết quả của các cuộc thi do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì tổ chức và thành tích của học sinh do Sở cử đi tham gia các cuộc thi quốc tế vào việc đánh giá kết quả học tập của học sinh từ năm học 2017-2018, tuyển thẳng trong tuyển sinh đầu cấp học từ năm học 2018-2019".
Đây chỉ là nhắc lại quy định tại Thông tư số 11 ban hành quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông. Theo đó, đối tượng được tuyển thẳng vào THPT được quy định tại khoản 1 Điều 7 là: "Học sinh đạt giải cấp quốc gia trở lên về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học". Như vậy, học sinh đoạt giải tại các cuộc thi do địa phương tổ chức và các giải quốc tế mà địa phương đưa đi tham dự không phải là học sinh đạt giải cấp quốc gia.
Đối với trung học cơ sở, tuyển sinh theo phương thức xét tuyển do Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định. Bộ đưa ra quy định không sử dụng kết quả các cuộc thi để tuyển thẳng nhằm đảm bảo đúng quy định trên, nếu không vô hình trung chính các cuộc thi này lại trở thành thi tuyển. Yêu cầu này cũng đảm bảo mục đích tạo sân chơi bổ ích, để học sinh có cơ hội vận dụng kiến thức đã học trong nhà trường vào giải quyết các tình huống thực tiễn, tăng cường thêm cơ hội để học sinh "học đi đôi với hành" theo đúng sở trường, hứng thú và tự nguyện tham gia.
Việc cộng điểm ưu tiên vẫn giao cho địa phương, nhưng với quy định tinh giảm các cuộc thi của Bộ, Sở sẽ phải cân nhắc kỹ việc tổ chức từng cuộc thi cũng như quy định về đối tượng và điểm cộng khuyến khích trong phương án tuyển sinh để đảm bảo chất lượng, công bằng, minh bạch trong tuyển sinh.
Việc có nên tuyệt đối cấm cộng điểm ưu tiên hay không thì cần cân nhắc kỹ lưỡng. Nếu các cuộc thi được tổ chức có chất lượng tốt thì cũng nên khuyến khích cho những học sinh xứng đáng.
- Vậy để giảm thiểu tiêu cực, Bộ dự kiến chỉ duy trì những cuộc thi như thế nào?
- Bộ quy định Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ tổ chức một số cuộc thi gắn liền với hoạt động dạy và học chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo phù hợp với yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất của giáo viên và học sinh. Các Sở không được yêu cầu trường tổ chức đội tuyển, không xét giải tập thể và không lấy thành tích cuộc thi để xét thi đua đối với đơn vị tham gia. Hình thức tổ chức cuộc thi đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả; giáo viên và học sinh được tham gia một cách tự nguyện, miễn phí.
Bộ khuyến khích hình thức thi trực tuyến để có thể thu hút đông đảo giáo viên và học sinh tham gia. Tuy nhiên, việc thi trực tuyến này phải có giải pháp đảm bảo mỗi giáo viên, học sinh có duy nhất một tài khoản do nhà trường xác nhận và quản lý để dự thi.
Năm học 2017-2018, Hà Nội tiếp tục không thi tuyển vào lớp 6 mà xét tuyển (diễn ra vào tháng 6-7). Một số trường có lượng học sinh đăng ký cao gấp 4-5 lần chỉ tiêu như: Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Siêu, trường chuyên Hà Nội - Amsterdam, Cầu Giấy, Marie Curie, Lương Thế Vinh, lại đưa tiêu chí phụ để lọc học sinh bên cạnh kết quả kiểm tra Toán, tiếng Việt 5 năm tiểu học. Năm học tới cũng có gần 83.000 học sinh Hà Nội tốt nghiệp THCS, nhưng chỉ 70% được vào trường THPT công lập. Khoảng 30% sẽ học tại các trường tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên và trường nghề. Vì mong muốn con được vào trường THCS top đầu khi xét tuyển, hay được cộng điểm ưu tiên khi thi tuyển vào lớp 10 trường THPT công lập, nhiều phụ huynh đã ép con học hành căng thẳng để có giải thưởng, chứng chỉ, một số còn bỏ tiền chạy chọt. |
Quỳnh Trang thực hiện