![]() |
Học sinh THCS ở TP HCM nằm trong diện tăng học phí. Ảnh: Hoàng Hà. |
Theo ông Vọng, đề án chuyển đổi 5 trường mầm non bán công sang mầm non tư thục của Hà Nội, gắn với đó là việc tăng học phí, chưa được UBND thành phố phê duyệt.
Hà Nội có 358 trường mầm non, với khoảng 140.000 học sinh nên nếu được thông qua, thí điểm chuyển đổi mô hình hoạt động cũng chỉ liên quan tới 5 trường và hơn 3.700 học sinh. Thứ trưởng Vọng cho rằng, học phí của 353 trường mầm non còn lại và tất cả các trường tiểu học, THCS, THPT của thành phố không có bất kỳ sự thay đổi nào.
Xung quanh đề án tăng học phí các trường công lập trên địa bàn TP HCM, hôm qua (5/7), HĐND thành phố hoãn thông qua. Theo tờ trình, mức học phí nhà trẻ, mẫu giáo, THCS tăng 2-3 lần so với hiện nay.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Vọng cho biết, ngoài 2 thành phố trên, 62 tỉnh, thành còn lại chưa có đề án về việc tăng học phí trong năm học 2007-2008. Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện dự thảo đề án học phí, dự kiến hoàn thành trong tháng 7 và công bố rộng rãi để nhân dân góp ý. Quý 3 năm nay, Bộ sẽ hoàn chỉnh và trình Chính phủ.
So sánh mức học phí và thu nhập ở TP HCM |
Theo đề án của UBND thành phố, học phí hằng tháng khối THCS tăng từ 23.333 lên 90.000 đồng (1 buổi/ngày); tăng từ 63.333 lên 160.000 đồng (2 buổi/ngày); bậc THPT tăng từ 38.333 lên 140.000 đồng (1 buổi/ngày); tăng từ 83.333 lên 220.000 đồng (2 buổi/ngày). Năm 2006, thu nhập bình quân đầu người ở nội thành 1,58 triệu đồng/tháng. Gia đình có 2 người đi làm, mỗi tháng thu 3,16 triệu đồng thì học phí THCS học 1 buổi/ngày chiếm 2,8%, học 2 buổi/ngày chiếm 5% thu nhập. Đối với THPT, học phí 1 buổi/ngày chiếm 4,4% và học 2 buổi/ngày chiếm 6,9% thu nhập. |
Tiến Dũng