Trong công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp, Bộ Giáo dục và Đào tạo hôm nay đề nghị các địa phương rà soát điều kiện để cho học sinh học trực tiếp; ưu tiên tiêm đủ liều vaccine cho cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên phục vụ.
Căn cứ để xác định có thể dạy học trực tiếp hay không phụ thuộc vào phân loại cấp độ dịch trên địa bàn, theo nguyên tắc khu vực nào kiểm soát được dịch thì cho học sinh trở lại trường.
Trong đó, các địa bàn dịch ở cấp độ 1 và 2 (nguy cơ thấp và trung bình) có thể dạy học trực tiếp nhưng củng cố điều kiện để sẵn sàng chuyển sang hình thức dạy học khác khi dịch diễn biến phức tạp.
Những địa phương cấp độ 3 (nguy cơ cao) dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến, trên truyền hình. "Ưu tiên dạy trực tiếp các lớp 1, 2, 6, 9 và 12, bảo đảm giãn cách phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất và các điều kiện an toàn trong công tác phòng, chống dịch", hướng dẫn của Bộ nêu.
Các địa bàn còn lại, dịch ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao) cần căn cứ vào thực tế để tổ chức dạy học trực tuyến, trên truyền hình, giao bài tự học. Với cấp học mầm non, giáo viên hướng dẫn phụ huynh hỗ trợ, giúp đỡ học sinh học tập, vui chơi tại nhà theo hình thức phù hợp.
Các trường đại học, cao đẳng sư phạm ở vùng dịch cấp độ 1 và 2 có thể tổ chức đào tạo trực tiếp nếu bảo đảm các quy định an toàn. Trường ở khu vực cấp độ 3 và 4 tiếp tục dạy học trực tuyến hoặc kết hợp trực tiếp và trực tuyến tùy theo phương án cụ thể được UBND cấp tỉnh chấp thuận.
Các trường học đang được trưng dụng làm nơi cách ly tập trung được yêu cầu nhanh chóng sửa chữa, khử khuẩn để sẵn sàng đón học sinh trở lại. Bộ đồng thời đưa ra những quy định về đảm bảo an toàn phòng, chống dịch đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và với các trường đại học, cao đẳng (xem chi tiết).
Đến nay, chỉ hơn 20 tỉnh, thành cho học sinh đi học trực tiếp, khoảng 30 địa phương cho toàn bộ học sinh học online hoặc qua truyền hình, số còn lại kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến.
Hiện, 40 tỉnh, thành đã công bố cấp độ thích ứng an toàn phòng, chống Covid-19. Trong đó, 19 nơi đạt cấp độ 1 về dịch bệnh, 21 nơi cấp độ 2. Ở mỗi tỉnh, thành lại có các cấp độ khác nhau tùy từng khu vực. Chẳng hạn ở Phú Thọ, toàn tỉnh đạt cấp độ 2. Tính theo quy mô cấp huyện, có ba nơi đạt cấp độ 2, còn lại là cấp độ 1. Còn theo quy mô xã, có hai xã cấp độ 3 và một xã cấp độ 4 do xuất hiện hàng loạt ca mắc Covid-19 mới.
Chiều nay, Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng cho biết, TP HCM đang có dịch ở cấp độ 2. Thành phố trước đó dự kiến mở cửa trường trở lại từ tháng 1/2022. Kế hoạch này hiện chưa thay đổi.
Hà Nội đến sáng 19/10 chưa công bố cấp độ thích ứng an toàn. Hôm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có văn bản đề xuất cho toàn bộ học sinh 18 huyện, thị ngoại thành và các khối 5, 6, 9, 10, 11 và 12 của 12 quận nội thành đi học trực tiếp từ 25/10. Ngoài phương án này, Sở cũng xây dựng thêm ba kịch bản khác cho học sinh trở lại theo từng khối hoặc toàn bộ các cấp. Riêng phương án cho học sinh toàn thành phố trở lại trường dự kiến thực hiện vào 17/1/2022.
Tuy nhiên, Giám đốc Sở - ông Trần Thế Cương - cho biết, tình hình dịch bệnh tại Phú Thọ, Nam Định và một số tỉnh lân cận khác còn phức tạp, số ca mắc bệnh là học sinh lên đến hàng chục em. Đánh giá thời điểm này chưa thích hợp để cho học sinh Hà Nội trở lại trường, Sở Hà Nội đã rút lại đề xuất và xây dựng các phương án khác phù hợp với tình hình thực tế.