Cách đây 2 ngày Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo, yêu cầu Bộ Công Thương nhanh chóng xem xét, xử lý kiến nghị của ThaiBev việc tập đoàn này chưa được tham gia Hội đồng quản trị và điều hành Tổng công ty Bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) dù đã bỏ gần 5 tỷ USD mua 53,59% cổ phần doanh nghiệp này.
Mấu chốt vấn đề theo ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nằm ở quy định tại Luật Doanh nghiệp. Theo điều 114 Luật Doanh nghiệp, cổ đông sở hữu 10% với điều kiện 6 tháng giữ cổ phiếu liên tục tại doanh nghiệp mua cổ phần mới có quyền tham gia Hội đồng quản trị. Từ khi công ty con của ThaiBev là Vietnam Beverage mua cổ phần Sabeco đến nay mới được 4 tháng. "Theo luật thì phải đến tháng 6/2018 đơn vị này mới có quyền tham gia vào Hội đồng quản trị Sabeco", ông Hoài nói.
Tuy nhiên Bộ này đã yêu cầu bộ phận quản lý vốn Nhà nước tại Sabeco tiến hành Đại hội đồng cổ đông bất thường, dự kiến ngày 23/4/2018, để quyết định các vấn đề về nhân sự.
Liên quan tới đề xuất đưa thêm 3 nhân sự của Vietnam Beverage tham gia Hội đồng quản trị Sabeco, đại diện Bộ Công Thương cho hay, theo Luật doanh nghiệp cổ đông và nhóm cổ đông có quyền đề cử người vào Hội đồng quản trị và ban kiểm soát nhưng phải được thông qua tại Đại hội cổ đông. Việc bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị được xem là hợp lệ nếu nhận được quyền biểu quyết của ít nhất 65% số cổ đông có quyền biểu quyết đại diện cho hơn 51% tổng số cổ đông tham dự.
Ngoài ra theo điều lệ Sabeco, trong 7 thành viên Hội đồng quản trị phải có 2 thành viên độc lập. Cơ cấu thành viên Hội đồng quản trị của Sabeco hiện mới có 4 người, gồm 3 thành viên đại diện quản lý vốn nhà nước và một đại diện của Heniken (10% cổ phần tại Sabeco), như vậy còn trống 3 ghế. Vietnam Beverage cũng đề xuất ba nhân sự tham gia HĐQT, trong đó bắt buộc có 2 thành viên độc lập. "Hiện Sabeco và Ủy ban Chứng khoán đang tiến hành kiểm tra tư cách của hai thành viên độc lập này", Cục trưởng Cục Công nghiệp thông tin.
Về lo ngại mất đi thương hiệu sau khi đối tác Thái vào nắm giữ Sabeco, đại diện Bộ Công Thương cho hay, hiện Nhà nước vẫn đang nắm giữ 36% nên có quyền phủ quyết việc thay đổi thương hiệu, thay đổi điều lệ, định hướng sản xuất kinh doanh, cơ cấu tổ chức doanh nghiệp… theo Luật Doanh nghiệp.
Giữa tháng 12/2017 Công ty TNHH Vietnam Beverage - doanh nghiệp có liên quan tới tỷ phú Thái Lan đã mua 343,642 triệu cổ phần với mức giá 320.000 đồng. Thương vụ này Nhà nước thu về 110.000 tỷ đồng, tương đương 4,8 tỷ USD.
Vietnam Beverage thành lập tháng 10/2017, có vốn điều lệ gần 682 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực tư vấn quản lý, lập trình máy tính, tư vấn máy tính và quản trị hệ thống máy vi tính. Công ty được nắm giữ gián tiếp 49% bởi BeerCo Ltd, công ty bia do ThaiBev sở hữu 100% có trụ sở tại HongKong.
Người đại diện công ty là ông Michael Hin Fal, cũng là thành viên Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk). Ông Michael cũng đồng thời là Giám đốc của Fraser and Neaver Ltd - công ty thuộc quyền kiểm soát của F&N Dairy Investments Pte. Ltd (tập đoàn đồ uống do tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi nắm quyền kiểm soát). Tại Việt Nam, F&N Dairy Investments của tỷ phú Thái là cái tên không lạ khi đang là nhà đầu tư ngoại "miệt mài" mua lại cổ phần Vinamilk. Hiện F&N sở hữu hơn 19% tại doanh nghiệp chiếm thị phần sữa lớn nhất Việt Nam và vẫn tích cực mua thêm để gia tăng sở hữu.
Anh Minh