"Tự tay vào bếp nấu những món Việt cho các con là niềm vui của tôi", người đàn ông 48 tuổi nói. Phở Hà Nội cũng là món yêu thích nhất, anh học và tự nấu đầu tiên vào 8 năm trước.
Jens là kỹ sư cơ khí ở thành phố Mainz. Anh kết hôn với một phụ nữ Việt Nam 23 năm trước nhưng ly hôn sau gần 15 năm chung sống, hai con ở cùng bố.
Jens kể đã đến Việt Nam ba lần và đặc biệt ấn tượng về văn hóa ẩm thực của quê vợ. Anh dành thời gian thưởng thức các món ăn ba miền, từ phở ở Hà Nội, bánh đa cua Hải Phòng, bún cá Nha Trang cho đến bánh mì Sài Gòn. "Mỗi vùng miền đều có đặc trưng ẩm thực riêng. Tôi bị cuốn hút bởi hương vị và cách chế biến công phu trong mỗi món Việt", anh nói.
Những ngày mới học nấu, để có món phở chuẩn vị Jens phải tìm đến nhà hàng của người Việt học hỏi. Cùng với đó, anh xem hàng chục video hướng dẫn cách nấu trên mạng xã hội và thử nghiệm với nhiều công thức khác nhau. "Tôi nấu hơn 10 lần mới ra được món phở ưng ý như đã từng ăn ở Việt Nam", anh nói.
Jens chia sẻ về cách nấu món phở bò của mình thường sẽ có hỗn hợp xương bò và gia vị đi kèm như: hành tím, gừng, rau mùi, hồi, quế, tiêu. Phần nước chấm thì không thể thiếu ớt, chanh và nước mắm, ngoài ra còn có tỏi ngâm. Muốn món phở đậm vị, Jens chú trọng phần nước dùng. Anh hầm xương khoảng 3-4 tiếng. Và mất khoảng 6 tiếng để hoàn thành xong món phở bò đúng hương vị Việt Nam.
Từ phở, anh tiếp tục học làm bánh cuốn, chả giò, bún bò, bún riêu, bún thịt nướng, bánh mì... Đến nay Jens cho biết đã có thể nấu hơn 50 món ăn Việt và vẫn đang theo dõi một số đầu bếp trên Instagram để tiếp tục học các món mới.
Jens nói món Việt có rất nhiều hương vị khiến anh gặp khó khi phải tìm đủ các nguyên liệu để nấu một món nào đó. Dù có nhiều cửa hàng bán đồ Việt Nam ở Đức nhưng đôi khi anh vẫn phải mất hai, ba lần đi tìm mua rồi nấu thử mới ra được món ăn hoàn chỉnh.
"Thật khó có thể tìm được một lọ mắm ruốc chuẩn vị ở Đức", ông bố đơn thân nói. "Mỗi món ăn luôn đa dạng về nguyên liệu và cách chế biến, đòi hỏi tôi phải thật tỉ mỉ và tâm huyết", anh giải thích và cho biết có những món anh mất 5-6 tiếng, bao gồm cả khâu chuẩn bị.
Người đàn ông Đức cho rằng các món bún của Việt Nam thật khác biệt. Bún bò hơi có mùi mắm ruốc, bún cá có chút chua của cà, phở thanh tao có vị ngọt từ xương và rau củ.
Jens kể, lần đầu tiên ngửi mùi nước mắm, anh cảm thấy hơi khó ăn nhưng lâu dần thành quen. Hiện tại, anh xem đây là nguyên liệu không thể thiếu trong các món Việt.
Mỗi khi có thời gian rảnh, anh cũng lùng sục nhiều nơi, thử các món Việt ở nhiều hàng khác nhau để học hỏi cách chế biến, gia giảm hương vị của họ. "Điều này không chỉ giúp tôi nấu được các món phổ biến ở nhà hàng, mà còn nấu cả những món Việt dân dã trong bữa cơm hằng ngày", anh chia sẻ.
Dù công việc bận rộn, nhưng Jens cố gắng mỗi tuần nấu món Việt hai lần cho các con và coi đó là một cách để hai đứa con giữ sợi dây gắn kết tinh thần cũng như hiểu hơn về quê ngoại.
Con gái Jens năm nay 20 tuổi, con trai 14 tuổi. Anh cho hay hai con đều biết tiếng Việt, từng về thăm quê ngoại và đặc biệt đều thích đồ ăn Việt Nam.
Vào mỗi dịp lễ, Tết Nguyên Đán của người Việt, anh đều chuẩn bị mâm cỗ cùng các con ngay tại nhà. "Tôi sẽ đi tìm mua nguyên liệu để chuẩn bị cho các món trong thực đơn ngày Tết. Tôi muốn các con có cảm giác như đang ở Việt Nam", anh kể.
Chiều 8/4, Jens đi chợ châu Á tại Mainz và mua đủ nguyên liệu để làm món bún chả cho bữa tối. Anh kể các con đã "ồ" lên thích thú trước bàn ăn đầy màu sắc và khen rất ngon. Đó là động lực giúp anh học thêm nhiều món mới.
Jens mong muốn học thêm những món Việt ở khu vực miền Trung và Nam Bộ. Anh cũng sẽ dạy cho các con tập nấu một số món Việt đơn giản nếu chúng hứng thú.
Minh Tâm