Ngày 12/6, đoàn Công tác do trung tướng Phạm Trường Sơn (Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam) dẫn đầu dự lễ khánh thành và bàn giao trường học. Đoàn của tướng Sơn đang trong chuyến thăm Đội Công bình số 2 làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở Abyei, châu Phi.
Theo báo cáo của Đội công binh, ngôi trường được thành lập từ năm 2006, đến nay cơ sở hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng do xung đột vũ trang. Nằm giữa vùng đất rộng và hiu quạnh, không có hàng rào, ngôi trường thiếu lớp học và nơi ăn uống cho hơn 300 học sinh và 11 giáo viên.
Học sinh lớp 1 và lớp 3 phải ngồi học dưới gốc cây trong thời tiết nóng nực của mùa khô và ẩm ướt của mùa mưa. Đến giờ ăn cơm, thầy cô và các em ăn trưa ở dưới tán cây, trong hành lang.
Trước tình cảnh đó, Đội công binh đã tranh thủ ngày nghỉ, tận dụng vật liệu cũ từ các dự án đã hoàn thành để giúp nhà trường. Sau 10 ngày, hai lớp học có diện tích khoảng 30 m2, sức chứa 30 học sinh mỗi phòng và một bếp ăn 12 m2 được hoàn thiện.
Ông Garang Mithiang Arop, thầy dạy toán của trường, vui mừng khi trường có lớp và nhà ăn mới. "Học sinh lớp 6 và 7 sẽ có phòng học riêng, không còn phải học ngoài trời nữa. Cảm ơn các bạn, cảm ơn Việt Nam", ông Arop nói.
Cùng ngày, đoàn công tác của trung tướng Phạm Trường Sơn đến làng Mijak dự lễ giao thuyền cho người dân tại đây. Đại diện Đội công binh cho biết ngôi làng nằm trên trục đường giao thông chính, gần với con sông lớn Khor Bumbelo ở Phân khu Nam. Người dân ở đây chủ yếu kiếm sống nhờ nghề sông nước và di chuyển bằng xuồng sắt hoặc gỗ.
Do người dân không có kiến thức đầy đủ để vận hành, bảo quản đúng cách dẫn đến thuyền, xuồng hư hỏng và không thể tự sửa. Xuồng bị ngâm nước quá lâu nên hoen rỉ, rò nước khi di chuyển. Thân xuồng cũng bị móp méo do va đập, gây nguy hiểm cho người sử dụng. "Nếu không được sửa chữa kịp thời, người dân sẽ không còn phương tiện để di chuyển và mưu sinh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày", đại diện Đội công binh nói.
Tận dụng kiến thức của mình, bộ đội Việt Nam đã tiếp nhận những chiếc thuyền hỏng và sửa chữa miễn phí. Từng chiếc được nghiên cứu kỹ lưỡng để tìm hướng khắc phục, đặc biệt là phần thân xuồng đã bị hỏng nặng. Những người lính tận dụng que hàn và kim loại cũ, mượn các loại máy móc từ đơn vị bạn để sửa thuyền.
Ông Luar Mayol, đại diện cộng đồng người dân Mijak, cho biết Đội công binh Việt Nam không chỉ làm nhiệm vụ chuyên môn mà còn rất gắn kết với cộng đồng địa phương. "Abyei là một khu vực nhỏ nhưng chịu ảnh hưởng rất lớn từ những xung đột bên ngoài, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Đội Công binh giúp chúng tôi làm đường, cung cấp nước sạch, sửa thuyền, đem lại cho chúng tôi hy vọng cuộc sống tốt đẹp hơn", ông Mayol chia sẻ.
Trước đó hôm 10/6, trung tướng Phạm Trường Sơn đã trao quyết định thăng quân hàm cho 7 sĩ quan của lực lượng Gìn giữ hòa bình Việt Nam tại Phái bộ An ninh lâm thời của Liên Hợp Quốc ở khu vực Abyei (phái bộ UNISFA). Lãnh đạo Phái bộ cũng trao Huy chương Vì sự nghiệp gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tặng cán bộ, nhân viên Đội công binh số 2 của Việt Nam và Tổ Công tác UNISFA đang thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ.
Abyei là khu vực tranh chấp giữa Sudan và Nam Sudan. Hai nước ký thỏa thuận ngày 20/6/2011, cam kết rút quân khỏi khu vực phi quân sự tại Abyei và thiết lập cơ chế hỗn hợp để giải quyết vấn đề nhưng đến nay chưa có nhiều tiến triển thực chất. Phái bộ An ninh lâm thời của Liên Hợp Quốc ở khu vực Abyei được thành lập để duy trì, đảm bảo an ninh an toàn và ngăn chặn xung đột, tranh chấp giữa hai quốc gia này.