Thứ bảy, 20/4/2024
Thứ năm, 19/11/2020, 00:00 (GMT+7)

Bộ đội nắn dòng sông Rào Trăng tìm người mất tích

Thừa Thiên - HuếLực lượng chức năng khởi động lại việc tìm kiếm 12 công nhân còn mất tích tại Thủy điện Rào Trăng 3, chiều 18/11.

Xe tải chở bộ đội và các trang thiết bị, vật dụng phục vụ việc tìm kiếm vào hiện trường.

Trước đó chiều 17/11, lực lượng chức năng đã khơi thông tuyến đường 71 dẫn từ xã Phong Xuân (huyện Phong Điền) vào thủy điện Rào Trăng 3. Thời gian qua việc tìm kiếm các nạn nhân mất tích ở đây tạm dừng do thời tiết xấu và đường xuất hiện nhiều điểm sạt lở.

Bộ đội mang theo nhiều tấm sắt đan bằng lưới B40 để tạo thành các rọ đá, ngăn dòng chảy sông Rào Trăng, đồng thời nắn dòng chảy sang hướng khác phục vụ tìm kiếm nạn nhân ở khu vực lòng sông.

Theo lực lượng tìm kiếm, trong vụ sạt lở núi, có thể các nạn nhân bị cuốn trôi xuống lòng sông và bị vùi lấp ở đây. "Chúng tôi tổ chức việc tìm kiếm theo 4 giai đoạn, những ngày tới khi khi thời tiết thuận lợi, các lực lượng chuyển sang giai đoạn 3 là ngăn đập, nắn dòng sông", Trung tá Phan Thắng, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế, nói.

Các tấm lưới B40 được mang từ ngoài vào hiện trường, còn đá tảng để tạo thành rọ đá sẽ được bộ đội khai thác tại chỗ.

Hiện khu vực thủy điện Rào Trăng 3 trời tạnh ráo, song mặt đất vẫn phủ dày lớp bùn non từ trên núi tràn xuống, chưa kịp khô do những ngày qua mưa liên tục.

Một chiến sĩ lội bùn cắm cúi đan rọ đá. "Ban ngày, lực lượng tìm kiếm vào hiện trường, còn ban đêm ra thủy điện Rào Trăng 4 (cách thủy điện Rào Trăng 3 gần 10 km) nghỉ ngơi. Quyết tâm của đơn vị là bằng mọi cách tìm kiếm được nhóm công nhân đang mất tích", Trung tá Phan Thắng nói.

Hơn một tháng kể từ khi xảy ra vụ sạt lở núi vùi lấp 17 công nhân, hiện trường vẫn còn ngổn ngang đất đá, nhiều nơi nước chảy ra từ các khe suối.

Lực lượng tham gia tìm kiếm người mấy tích gồm hơn 100 cán bộ, chiến sĩ; hai kỹ sư xây dựng cầu đường của ngành giao thông... Do khu vực thủy điện Rào Trăng 3 không có sóng điện thoại nên lực lượng chức năng sử dụng thiết bị chuyên dụng để duy trì liên lạc.

Sông Rào Trăng chảy xiết, khối lượng đất đá sạt lở lớn gây khó khăn cho việc nắn dòng.

Theo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế, khối lượng đất đá cần đào để tìm kiếm nạn nhân khoảng 3.000 m3, đào sâu khoảng 2 mét.

Quá trình thi công, hai kỹ sư xây dựng cầu đường của ngành giao thông đánh dấu vị trí múc đất, tạo dòng chảy mới cho sông. Sau đó, bốn xe múc làm việc liên tục theo vị trí đánh dấu để khơi thông dòng chảy mới.

Tại cuộc họp hôm 9/11 về công tác tìm kiếm công nhân mất tích, ông Nguyễn Văn Phương - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các sở ngành liên quan chuẩn bị phương tiện, vật dụng, nhiên liệu để hỗ trợ đơn vị thi công ngăn đập, nắn dòng sông; đồng thời cần theo dõi kỹ diễn biến thời tiết, sẵn sàng phương án rút quân khi có sự cố xảy ra, đảm bảo an toàn cho lực lượng tại hiện trường.

Khu vực sạt lở ở thủy điện Rào Trăng 3 nhìn từ trên cao. Hôm 6/11, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã yêu cầu chủ đầu tư thủy điện này ngưng toàn bộ hoạt động xây dựng do có nguy cơ mất an toàn.

Bên cạnh lực lượng đắp đập, bộ đội cũng huy động 3 chó nghiệp vụ đi dọc dòng sông để tìm kiếm nạn nhân.

Sơ đồ phương án ngăn đập, nắng dòng Rào Trăng để tìm kiếm nạn nhân còn mất tích.

Trước đó, 0h ngày 12/10, nửa quả núi sạt lở đã vùi lấp lán trại, nhà điều hành thủy điện Rào Trăng 3 nơi 17 có công nhân đang túc trực. Lực lượng cứu hộ đã tìm thấy 5 thi thể, 12 công nhân đang mất tích.

Nắn dòng sông tìm người mất tích thủy điện Rào Trăng 3
 
 

Video: Võ Thạnh - Anh Phú

Võ Thạnh