Lúc 6h30, sau khẩu lệnh của người chỉ huy, bốn thành viên đầu tiên của đội tuyển Bếp dã chiến cầm súng, hạ thân người, lấy đường ngắm và kết thúc loạt bắn chính xác. Những tấm bia ở khoảng cách 100 m bị xuyên thủng, đạn khoét sâu vào đá núi phía sau.
"Chúng tôi bắt đầu một ngày rất sớm để tranh thủ thời tiết mát mẻ luyện tập bắn súng trên thao trường. Đôi khi, các bài bắn được sắp xếp buổi trưa để cả đội thích nghi với nắng nóng, đảm bảo khi thi đấu đạt kết quả tốt trong mọi điều kiện thời tiết", thượng úy Chu Minh Đức, tổ trưởng bắn súng nói.
Là đầu bếp trong quân đội, bên cạnh nấu ăn ngon, làm bánh giỏi, Đức và đồng đội còn phải rèn luyện kỹ năng bắn súng và sức khoẻ tốt. Quá trình huấn luyện được bắt đầu từ tháng tư, khi giáo viên thể lực hướng dẫn đội tuyển các bài tập chạy dài, đẩy tạ, bơi, chạy ngắn, chạy tiếp sức và nhiều bộ môn bổ trợ khác.
Huấn luyện viên bắn súng dày dặn kinh nghiệm cũng được triệu tập, giúp các thành viên nắm vững yếu lĩnh động tác bằng, chắc, đều, bền; tính toán đường đạn chính xác. "Nghĩa là phải giữ súng thăng bằng và chắc chắn; giữ đều các lực tác động lên súng (tay phải, tay trái, nhịp thở); sức khỏe, tâm lý bền vững, ổn định", thượng úy Đức giải thích.
Tuy nhiên, bộ đội đang luyện tập bắn tiểu liên AK-47, nhưng súng thi đấu là AK-74 chưa có trong biên chế của quân đội nhân dân Việt Nam. Tuy tính năng kỹ thuật hai loại súng tương tự nhau, nhưng đây là một thách thức lớn với đội tuyển. "Chúng tôi đã nắm chắc và sử dụng thành thạo súng hiện có. Khi sang thi đấu sẽ đề xuất được làm quen, bắn thử súng, chắc chắn có thể thi đấu tốt", thượng uý Đức tự tin.
Khác với hình ảnh đầy chất lính trên thao trường, khi vào bếp học nấu ăn, các thành viên đội tuyển Bếp dã chiến lại trở thành một đầu bếp thực thụ. Trong trang phục trắng tinh, đầu đội mũ, tay đeo găng và mặt được khẩu trang bịt kín, những người lính quân nhu say sưa cắt gọt rau củ, thái thịt cá chế biến món ăn và nhào bột làm bánh. Sau khoảng ba giờ cần mẫn nấu nướng, thực đơn cho 20 người đã hoàn thành.
Đại uý Trần Đăng Việt, tổ trưởng nấu ăn bày các món súp, salat, đồ ăn mặn ra đĩa rồi bắt đầu trang trí. Anh dùng các loại nước sốt được chế biến từ rau củ với đủ màu xanh, đỏ, vàng... để tạo hình cho đĩa thức ăn thêm hấp dẫn. Hội thao Quân sự quốc tế do Bộ Quốc phòng Nga chủ trì tổ chức, nên các món ăn trong nội dung thi đều mang phong cách ẩm thực châu Âu.
"Đây chính là khó khăn lớn nhất với toàn đội vì không quen khẩu vị và kinh nghiệm không có", đại uý Việt nói và cho biết, để có được những món ăn đúng theo yêu cầu của ban tổ chức, đội phải trải qua hàng tháng trời tập luyện dưới sự hướng dẫn của chuyên gia ẩm thực, làm quen với kỹ thuật chế biến, sử dụng gia vị và trình bày.
Nếu như năm ngoái các đội tuyển được lựa chọn bộ thực phẩm để xây dựng thực đơn thì năm nay độ khó tăng lên, đội tuyển sẽ bốc thăm một trong ba bộ thực phẩm và chỉ được sử dụng những thực phẩm này để thực hiện thực đơn gồm một món nguội (salat), hai món chính gồm súp, thịt hoặc cá và nước trái cây khô, bảo đảm cho 20 suất ăn.
Vòng chung kết năm trước chỉ thi hai ngày thì năm nay thời gian cũng kéo dài thêm một ngày. Theo đó, hai ngày đầu mỗi ngày nấu ăn một thực đơn bắt buộc cho 20 suất ăn. Để tự tin bước vào cuộc thi, mỗi ngày cả đội phải tập nấu từ 5 đến 10 món, đảm bảo khi bắt được đề nào cũng có thể chế biến.
"Từ những món ăn chưa như ý ban đầu, nay chúng tôi đã thành thạo các món đúng theo yêu cầu của ban tổ chức, vừa đủ dinh dưỡng vừa đẹp mắt", đại uý Việt chia sẻ.
Tổ làm bánh thì mỗi ngày nhào bột, học cách làm 15 loại bánh khác nhau. Thiếu tá Cao Quang Vị, giáo viên khoa Quân nhu, Học viện Hậu cần, tổ trưởng tổ bánh cho biết, làm bánh mì không khó, nhưng để bánh đạt yêu cầu thì cần rèn luyện nghiêm túc.
"Chúng tôi phải đảm bảo tuyệt đối chính xác tỷ lệ các loại nguyên liệu cho từng loại bánh. Nhiệt độ và thời gian ủ quyết định độ nở độ xốp của bánh; còn thời gian nướng quyết định sản phẩm có vàng đẹp hay không", anh Vị chia sẻ.
Army Game 2020 yêu cầu đội tuyển Bếp dã chiến phải làm 10 loại bánh, mỗi loại 5 cái, đồng dạng về hình thức, còn khối lượng thì hơn kém không quá 5 gam. Trong khoảng thời gian thi 6 tiếng, đội nào làm nhiều sản phẩm hơn sẽ được cộng thêm 5 điểm, vì vậy các anh nuôi cố gắng làm đủ 15 loại đã luyện tập.
Có một loại bánh Ban tổ chức sẽ giữ bí mật để các đội bốc thăm. Bốc vào loại nào thì đội phải làm loại bánh đó. Đây được xem là trở ngại lớn nhất cho đội tuyển. Còn ở vòng chung kết, từ những nguyên liệu do ban tổ chức cung cấp, các đội phải làm ra được 12 ổ bánh có trọng lượng từ 1,1 kg và không quá 1,2 kg theo công thức bắt buộc.
"Làm bánh có nhân thịt gà hoặc cá là thử thách lớn nhất vì ngoài định lượng nguyên liệu, chúng tôi phải đảm bảo sự liên kết giữa vỏ bánh và nhân", anh Vị chia sẻ.
Ngoài khó khăn về khẩu vị, trình bày thì cách thức điều chỉnh nhiệt trên bếp nấu cũng là trở ngại với đội tuyển, khi nước chủ nhà sử dụng xe bếp dã chiến KP-130, không có trong biên chế của Quân đội nhân dân Việt Nam. Thiết bị này không dùng nhiệt bằng điện như đội tuyển luyện tập ở nhà mà đốt bằng bếp dầu hóa hơi.
"Nhưng với sự cần cù, chịu khó của người lính Việt Nam, tôi tin rằng chỉ cần một buổi làm quen, chúng tôi sẽ sử dụng thành thạo bếp dã chiến của nước chủ nhà", đại úy Vương Văn Tiến, trợ lý phòng tham mưu kế hoạch Cục Quân nhu, huấn luyện viên Đội tuyển nói.
Theo anh Tiến, trong khuôn khổ cuộc thi, các đội có phần trình diễn "nghệ nhân ẩm thực", tổ chức nấu các món ăn đặc sắc của dân tộc nhằm trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật, từ đó nâng cao trình độ đầu bếp quân nhân. Đội tuyển Bếp dã chiến của Việt Nam năm nay sẽ trình diễn các món ba chỉ quay giòn bì, bò sốt vang, chả giò dế; bánh trôi bánh chay, chè lam, bánh dợm, bánh cốm.
Tại cuộc thi, đội tuyển Bếp dã chiến các nước cũng sẽ tham gia thi đấu giao hữu các môn thể thao do ban tổ chức thông báo trước khi bước vào thi. Năm 2019 có bốn môn giao lưu gồm Thể thao tổng hợp (nhảy bậc 40 cm, bò ngược hứng bóng, chống đẩy ngược, vác hình nộm chạy về đích); môn vần lốp 15 m; chống đẩy tổng hợp; kéo co. Những môn này cũng đã được huấn luyện viên cho đội tuyển tập luyện kỹ càng.
Đại diện Cục Quân nhu đánh giá, Hội thao Quân sự quốc tế là cơ hội để bộ đội Việt Nam giao lưu với quân nhân các nước, rèn luyện tính chuyên nghiệp và rút ra các bài học kinh nghiệm để sử dụng trong thực tiễn.
"Những bài học về nấu ăn, làm bánh sau cuộc thi sẽ được ứng dụng trong giảng dạy cho học viên trường Học viện Hậu cần, sau này vận dụng vào trạm chế biến các đơn vị để sản xuất bánh mì. Hiện nay, một số đơn vị đã làm bánh mì để bộ đội ăn bữa sáng và làm bữa ăn phụ cho bộ đội hành quân dã ngoại", anh Tiến cho hay.