Việc làm trên diễn ra từ ngày 29/4 đến nay. Cán bộ, chiến sĩ bộ đội, công an, đoàn viên thanh niên thuộc các cơ quan nhà nước tại huyện Hương Sơn đã gác lại kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, mỗi nhóm hơn 10 người, đến nhiều cánh đồng ở các xã Sơn Giang, Sơn Tiến, Sơn Trung, Sơn Lễ.... Họ cùng phụ giúp người dân dựng cây lúa bị đổ rạp giữa ruộng rồi buộc lại thành từng khóm, dùng cuốc khơi thông dòng chảy giúp tiêu nước trong ruộng, sau trận mưa lớn tối 28/4.

Một ruộng lúa ở huyện Hương Sơn bị đổ rạp sau trận mưa lớn bốn ngày trước. Ảnh: Hùng Lê
Bà Hoàng Thị Nhâm, trú xã Sơn Trung, gieo cấy hơn 2 sào lúa xuân ở thôn Mỹ Sơn nhưng trận mưa giông khiến hơn một sào bị ngập sâu 50 cm, còn lại bị đổ rạp, bông lúa ngấm bùn. "Gia đình neo người, muốn thuê lao động rất khó, vì Covid-19 ai cũng ngại đi làm dù tiền công cao. Rất may được lực lượng vũ trang và đoàn thanh niên đến hỗ trợ, đến sáng 2/5 đã xong, giúp giảm thiểu phần nào thiệt hại. Tôi rất xúc động và biết ơn hành động ý nghĩa này", bà Nhâm nói.
Tổng diện tích lúa bị thiệt hại ở huyện Hương Sơn gần 1.500 ha, chủ yếu là lúa vụ đông xuân, khoảng một tháng nữa sẽ thu hoạch. Tại nhiều khoảnh ruộng, nước ngập hơn 50-70 cm, nhiều nơi cây lúa đổ rạp, bông non rụng tung tóe giữa ruộng, một số hạt lúa già đã nảy mầm. Ảnh hưởng bởi thiên tai sẽ khiến giảm năng suất và sản lượng so với các vụ trước. Nếu không kịp thời dựng lại cây lúa hoặc khơi thông dòng chảy, nông dân đối mặt nguy cơ mất trắng.

Chiến sĩ Ban chỉ huy quân sự huyện Hương Sơn dựng lúa bị đổ giữa ruộng, bó lại thành từng khóm. Ảnh: Thế Tuấn
"Việc khơi thông dòng chảy dễ hơn, vì chỉ cần dùng cuốc và xẻng đào bờ và tạo các lạch nhỏ ở giữa ruộng để nước thông rồi chảy ra ngoài mương. Để dựng và gom cây lúa bị đổ rạp lại thành từng khóm rất vất vả và mất nhiều thời gian, nếu không cẩn thận hoặc mạnh tay cây thì sẽ gãy gập và rụng bông khiến hư hỏng", một cán bộ công an huyện Hương Sơn cho hay.
Thượng tá Hà Hải Long, Trưởng công an huyện Hương Sơn cho biết, hàng trăm ha lúa và hoa bị thiệt hại, hư hỏng sau mưa đã được khắc phục. Vài ngày tới, số diện tích còn lại sẽ được làm xong. "Ngoài cử cán bộ chiến sĩ ngoài đi giúp dân dựng lúa, đơn vị còn phải chia lực lượng cho nhiều nhiệm vụ khác như: chống Covid-19, làm căn cước công dân, công tác bảo vệ bầu cử... Ai cũng làm nỗ lực làm hết sức với tinh thần, trách nhiệm cao nhất".

Công an huyện Hương Sơn bố trí mỗi xã khoảng 5-7 cán bộ, cùng người dân khắc phục thiệt hại sau thiên tai. Ảnh: Hùng Lê
Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hội tụ gió trên mực 1.500 m, ngày 26-28/4, nhiều huyện ở Hà Tĩnh xảy ra mưa rào và giông, nhiều nơi xuất hiện sấm sét. Tại một số huyện như Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Can Lộc, Thạch Hà, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, thị xã Hồng Lĩnh... hàng nghìn ha lúa, hoa màu bị ngập úng, đổ rạp, hư hỏng nặng.