Một người bạn cùng thời sinh viên với tôi mắc bệnh ung thư cổ tử cung - một trong những bệnh ung thư phổ biến hàng đầu ở phụ nữ trên thế giới. Khi tôi đến thăm, đọc trong hồ sơ và phác đồ điều trị, có đề cập đến vấn đề chế độ ăn kiêng để "bỏ đói tế bào ung thư".
Khi tôi hỏi chuyện về chế độ ăn này, bạn giải thích: "Bác sĩ nói rằng, các tế bào ung thư là những con nghiện dưỡng chất, nhưng lại không có cơ chế dự trữ "thức ăn" như những tế bào khỏe mạnh. Vậy nên mình cần lựa chọn chế độ ăn phù hợp để bỏ đói những tế bào này để hỗ trợ cho quá trình điều trị".
Rời bệnh viện ra về, trong đầu tôi cứ nghĩ về chuyện "bỏ đói tế bào ung thư". Không phải tôi quan tâm về phương thức đó và các vấn đề liên quan của y học, mà chính xác hơn thì tôi thích từ "bỏ đói", tư duy "bỏ đói" trong cuộc sống.
Ai cũng biết tế bào ung thư là tế bào xấu, tế bào có hại - vì nó được các bác sĩ chụp chiếu, vạch mặt gọi tên cụ thể. Nhưng trong chính tâm hồn mỗi chúng ta tiềm ẩn những tư duy xấu, cảm xúc xấu, hành vi xấu. Chúng cũng hệt như những tế bào ung thư kia, và chúng ta mỗi ngày đã lựa chọn "bỏ đói" hay đang nuôi dưỡng những mầm bệnh ấy?
Tôi có một anh bạn người Canada làm bên mảng liên quan đến giáo dục. Anh này ở Việt Nam được 5 năm và khá rành tiếng Việt. Hôm trước gặp lại, ngồi café ở khu vực hồ Văn Quán (Hà Đông), anh bất giác thốt lên: "Cậu cho tôi hỏi thật, không lẽ giới trẻ Việt Nam bây giờ lại háo sắc đến thế sao?".
Anh cũng bày tỏ về đời sống giới trẻ bây giờ, bất kỳ ai có tí nhan sắc là được phong "hotboy", "hotgrl", "soái ca", "cực phẩm" là được đưa lên mạng. Ngày nào cũng thế, lặp đi lặp lại, mỗi ngày là một gương mặt mới, hoặc phụ nữ có vòng vòng một "khủng", sexy, hoặc là đàn ông có body săn chắc, gợi tình.
Tôi nghe bạn nói mà giật mình. Một thế giới internet để những thứ tầm phào như thế mỗi ngày giăng bày cho những người trẻ tiếp xúc, tìm đọc thì chắc chắn chỉ làm cho tâm hồn, tư duy, cảm xúc của mỗi con người ngày càng "nhạt" và nghèo đi. Nó đang lấn sâu, đang ăn mòn, đáng báo động - đến độ những người nước ngoài sống ở Việt Nam một thời gian là có thể dễ dàng nhìn ra.
Ấy là còn chưa kể các trang web không lành mạnh, những trò chơi bạo lực... Có lẽ không bậc phụ huynh nào tự tin khẳng định rằng con cái mình lên mạng chỉ tìm vào đến những trang web lành mạnh, bổ ích thực sự. Và cũng khó có nhà nghiên cứu xã hội học nào thống kê được hiện nay có bao nhiêu học sinh, sinh viên người Việt đã - đang - và sẽ tiếp tục tò mò tìm hiểu, truy cập vào các trang web xấu ấy. Nếu không đủ tư duy, trí tuệ làm chủ cảm xúc của bản thân, lâu dần cũng dễ đánh mất mình, từ từ trượt dài theo cái xấu, những điều bất thiện.
Hay đơn giản như việc dùng Facebook. Nếu như ta chọn like các trang giật gân, hoặc tầm phào, thì mỗi buổi sáng ghé vào "lướt Phây", nghiễm nhiên bữa ăn cho thị giác và tâm hồn ta sẽ chỉ là những thứ bạo lực, sến sẩm như thế. Nếu ta chọn like các trang về kỹ năng sống, những nhân vật truyền cảm hứng tích cực, kết bạn với những người bạn trò chuyện vui vẻ, thường chia sẻ những điều dí dỏm, hài hước trên trang cá nhân mà không phải những lời than thở, buồn khổ thì đương nhiên, ngày nào ta cũng có một bữa sáng thật lành và ngon.
Hôm trước tôi đến uống trà với người bạn là bác sĩ y học cổ truyền tại phòng khám, anh có chia sẻ: "Thực ra với mỗi người bệnh, thân bệnh là một phần và có thể chữa lành, chữa khỏi. Nhưng cái quan trọng hơn là bác sĩ cần là người có đủ tình yêu thương, hiểu cả về lĩnh vực tâm lý, đời sống để tư vấn mà giúp họ thay đổi thói quen và bản thân để có tư duy và lối sống tích cực. Chữa tâm bệnh còn cần hơn chữa thân bệnh".
Tôi nhận ra chữa bệnh cho tâm hồn, cho lối sống đơn giản nhất dành cho mỗi người từ chia sẻ của vị sư thầy và anh bạn bác sĩ đông y - ấy là học cách tập trung cho cái Tốt, điều Thiện, mà bỏ đói cái Xấu, làm chủ và chế ngự những điều Bất thiện.
"Trước một con người, một vấn đề - mình nhìn thấy cái xấu của người khác tức là trong mình cũng có cái xấu đó, nên dễ dàng nhận diện, gọi tên. Con người ta ở với ái tốt của nhau còn chưa hết, thì sao cứ phải chọn ở với cái xấu của nhau?" – Anh bạn tôi nhấp thêm một ngụm trà và chia sẻ thêm.
Mặt khác, để tương lai có một xã hội lành mạnh, một cộng đồng người tử tế nhiều hơn những cộng đồng tiêu cực, bạo lực thì ngay từ bây giờ, việc nuôi dưỡng tâm hồn, tu sửa thân tâm còn phụ thuộc vào nhận thức, lựa chọn, hành động của các ông bố, bà mẹ trẻ.
Không khó để dễ dàng nhận thấy, các vị phụ huynh trẻ bây giờ, hầu như ai cũng quan tâm đến ươm mầm tài năng, đặt kỳ vọng ở các con về: tài năng âm nhạc, tài năng toán học, tài năng thể thao... Hình như ít ai chú ý đến việc ươm mầm tâm linh cho mỗi đứa trẻ.
Nếu buổi sáng là tích tụ tinh khôi của đất trời thì tuổi trẻ là mầm non tinh khôi của tương lai xã hội.
Cách ly cái không lành mạnh, bỏ đói cái xấu để tập trung chăm sóc cho cái thiện trưởng dưỡng từng ngày cần là ý nghĩ đầu tiên khi mỗi sớm mai chúng ta thức giấc chào đón mặt trời.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.