![]() |
Bộ độ nặng hơn 700 kg! |
Đó là sản phẩm của Công ty Hardsuits ở Vancouver, Canada. Nó có thể hoạt động ở độ sâu 610 m. Tuy nhiên, các nhà chế tạo vẫn chưa hài lòng với con số này, nên họ đang cho kiểm tra khả năng làm việc của bộ đồ ở độ sâu 920 m.
Hardsuit 2000 là một bộ đồ nén không khí, có vỏ bọc chắc chắn. Người mặc được hít thở một nguồn không khí giống như trên mặt đất. Họ không còn phải bận tâm đến sức ép khủng khiếp của nước lên cơ thể khi làm việc ở độ sâu quá lớn, cũng như chứng giảm sức ép, dẫn đến tử vong khi lên khỏi mặt nước.
Bộ đồ tuy nặng tới 770 kg, nhưng khi ở trong nước, người mặc có thể xoay xở rất nhẹ nhàng nhờ có hai bộ tự nâng ở hai bên. “Bạn có thể xoay vòng tròn, bay lượn hoặc nằm ngả lưng xuống, đều được”, Mike Holmes, Giám đốc dự án, cho biết.
Các bộ tự nâng này được điều khiển bằng hai bàn đạp ở dưới chân, bên trong bộ đồ. Sau lưng là thùng chứa ôxy, đủ để thực hiện một nhiệm vụ kéo dài từ 8 đến 10 tiếng. Ở hai bên tai có các thiết bị định vị dưới nước và camera. Tại vị trí của tay, người ta gắn được nhiều loại dụng cụ như dao, kìm, kẹp... Ngoài ra, trên thắt lưng, tay và chân bộ đồ lặn đều có những vòng đệm, có thể điều chỉnh cho vừa vặn với khổ người của mọi thủy thủ.
Với Hardsuit 2000, khi thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, người thợ lặn sẽ được cột vào một khung lắp ghép và được thả xuống một nơi có độ sâu thấp hơn mục tiêu ứng cứu khoảng 9 m. Sau đó, họ tự cởi dây buộc và dọn đường để có thể đưa “xe” cứu hộ tới, đưa người còn sống lên trên mặt nước. Mike Holmes nói: “Đối tượng cứu không nhất thiết phải là tàu ngầm, nó cũng có thể là một chiếc máy bay bị rơi xuống biển”. Hải quân Mỹ đã có kế hoạch mua 4 bộ Hardsuit 2000 với giá 2,7 triệu USD/bộ, bao gồm cả khung cột thợ lặn.
NLĐ (theo Popular Science)