Mới đây, một phụ nữ mang thai 24 tuần bị dọa đẻ non, đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cấp cứu. Khi sức khỏe ổn định, thai phụ tự ý về nhà, cho rằng chưa thể sinh ngay. Sau đó, tình trạng chuyển biến xấu, cô quay lại cấp cứu, may mắn giữ được thai nhưng sức khỏe mẹ yếu, phải hồi sức tích cực.
Đây là một trong nhiều trường hợp bác sĩ Nguyễn Trung Đạo, Khoa Sản bệnh A4, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội gặp. Theo ông Đạo, có nhiều lý do để một người tự ý bỏ viện, như gia đình có con nhỏ, nhà xa, điều trị tốn kém. Mặt khác, đa số người bệnh không nhận thức được mức độ nguy hiểm khi "tự chẩn đoán, tự kết luận bệnh", thấy khỏe hơn là muốn về nhà.
"Tuy nhiên, bệnh từ diễn biến bình thường sang bất thường rất nhanh, nhiều tình huống không kịp trở tay, nguy hiểm tính mạng", bác sĩ nói.
Hơn 10 năm điều trị bệnh nhân ung thư, bác sĩ Hà Hải Nam, Phó trưởng Khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K, cho biết số lượng người bệnh tự ý bỏ ngang điều trị "nhiều không đếm hết, đến khi nhập viện thì vô phương cứu chữa".
Như cụ ông 84 tuổi, tắc ruột, buồn nôn, sinh thiết phát hiện u trực tràng giai đoạn muộn. Để điều trị, bệnh nhân cần xử lý tắc ruột trước, tiếp đó làm hậu môn giả và phẫu thuật cắt u (nếu sức khỏe cho phép), hiệu quả được bác sĩ tiên lượng rất khả quan. Tuy nhiên, bệnh nhân sợ dao kéo, tốn kém chi phí nên không tiếp nhận điều trị.
Khoảng 5 tuần sau, cụ ông đến cấp cứu trong tình trạng thập tử nhất sinh do vỡ ruột. Lúc này, bệnh nhân không thể can thiệp mổ cắt u, hoặc đóng hậu môn giả. Sau hai tuần, người bệnh qua đời.
Hay bệnh nhân nữ, 53 tuổi, bị ám ảnh với việc phải chờ đợi, xếp hàng và "thái độ cau có" của y bác sĩ tại viện công, nên bà đến hiệu thuốc gần nhà nhờ dược sĩ đoán bệnh, kê đơn. Mỗi lần dược sĩ bán thuốc cho bà chỉ có hai loại giảm đau paracetamol và chống viêm. Uống hết thuốc thì triệu chứng giảm, nhưng vài ngày sau tình trạng sưng nướu, chảy máu chân răng tái phát. Sau nhiều lần tự chữa, bà phải nhập viện điều trị áp xe răng, biến chứng xoang mặt. Bác sĩ cảnh báo nếu đến viện muộn hơn, nhiễm trùng có thể đi theo đường máu lan đến tim, não và các bộ phận khác, nguy cơ tử vong.

Bệnh nhân xếp hàng chờ tới lượt khám tại Bệnh viện ung bướu TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần
Tình trạng tự đoán bệnh, kê đơn, bốc thuốc và bỏ ngang điều trị, không cần thăm khám đã diễn ra nhiều năm nay. Theo Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng, Đại học Y dược TP HCM, nguyên nhân đầu tiên do người bệnh chủ quan, coi thường tính mạng của bản thân hoặc người nhà.
Nhóm thứ hai là không tôn trọng nhân viên y tế, dễ bực dọc, cáu gắt, mất bình tĩnh nên không tiếp thu được ý kiến bác sĩ. Đặc biệt, nhóm tự nhận có hiểu biết về bệnh hoặc thuốc nên khó trao đổi với bác sĩ, hoặc cho rằng chỉ định của người khám chưa tốt bằng lời khuyên chuyên gia khác.
Ngoài ra, khó khăn kinh tế, địa lý, tâm lý ngại chờ đợi hoặc nghĩ cơ hội sống không còn, có chạy chữa cũng không thành cũng là lý do khiến bệnh nhân dễ buông xuôi.
Theo phó giáo sư, hành động tự ý bỏ về hay bỏ thuốc, bỏ điều trị của người bệnh là rất nguy hiểm, thậm chí "có thể đánh đổi bằng cả tính mạng". Trong khi, cán bộ y tế là người có kiến thức, được đào tạo, kể cả không phải bác sĩ chuyên khoa cũng có kỹ năng cấp cứu nhất định. Khi có triệu chứng bất thường, bác sĩ nhanh nhạy, phán đoán kịp thời để xử lý trong thời gian vàng, cứu sống người bệnh, không để lại biến chứng. Ngoài ra, "chỉ có nhân viên y tế mới có đủ năng lực và quyền đưa ra chỉ định, kết luận chính xác, nên cần tuân thủ", phó giáo sư nói.
Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, cho rằng khi vào bệnh viện, tùy theo mức độ bệnh, bác sĩ có chỉ định điều trị phù hợp và theo dõi chặt chẽ nhất, bằng quan sát hay các thiết bị chuyên sâu. "Do đó, khi giao sức khỏe của mình cho nhân viên y tế, bạn cần tôn trọng, tuân thủ bởi nhiều dấu hiệu sớm chỉ bác sĩ phát hiện được", ông Khanh nói.
Ngoài ra, khi quyết định cho bệnh nhân xuất viện, bác sĩ phải thông qua khám lâm sàng và các chỉ số. Đôi khi, người bệnh cảm giác khỏe hơn nhưng thực chất bệnh vẫn tồn tại trong cơ thể. Đến khi bệnh trở nặng, người bệnh không xử lý kịp thời, để lại biến chứng.
Ví dụ, người mắc sốt xuất huyết thường nghĩ "hết sốt là khỏi bệnh" nhưng trên xét nghiệm, chỉ số tiểu cầu giảm, vẫn có thể xảy ra biến chứng. Nhiều bệnh nhân áp xe, nhiễm trùng, thấy vết thương lành cũng nghĩ khỏi bệnh. Vài ngày sau, vết thương sưng tấy, nhiễm trùng nặng, phải can thiệp phẫu thuật nặng nề.
"Tuy nhiên, việc này không thể đổ lỗi hoàn toàn cho người bệnh", phó giáo sư nói, cho rằng có lúc kỹ năng giao tiếp của nhân viên y tế chưa tốt, người dân chưa nắm được hết vấn đề, không hiểu được tình trạng bệnh, khiến cuộc trao đổi không thuận lợi. Thỉnh thoảng, y bác sĩ cũng bị chi phối cảm xúc, do yếu tố gia đình, sức khỏe nhưng trường hợp này không quá phổ biến. Hầu hết nhân viên y tế đều cố gắng hoàn thành công việc với "trái tim nóng, cái đầu lạnh", mục tiêu hàng đầu là cứu sống người bệnh.
Chuyên gia khuyến cáo, bệnh nhân cần tôn trọng, giữ bình tĩnh để hiểu tư vấn của bác sĩ, giúp cuộc trao đổi, thăm khám rõ ràng hơn. Khi có khúc mắc, người thân hoặc người nhà nên phản ánh lại, không nên tự ý kết luận hay xúc phạm nhân viên y tế.
Người bệnh cần đọc kỹ đơn thuốc và hướng dẫn của y bác sĩ. Nếu chưa hiểu hoặc có tác dụng phụ, hãy hỏi lại để được tư vấn đầy đủ và chính xác. Tái khám đúng theo lịch hẹn. Không uống thuốc từ nhiều nguồn, không tự ý bỏ thuốc, dùng thuốc nam.
Ngoài ra, bác sĩ cũng cần xem bệnh nhân như người nhà, bình tĩnh giải thích đơn giản, súc tích để họ hiểu, tránh xảy ra xung đột.
Minh An