Tại khoản 1 điều 5 của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 15/3, cơ quan soạn thảo đề xuất quy định lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) được trích không thấp hơn 70% khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách nhà nước và không thấp hơn 30% tiền thu được từ đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách trung ương.
Tuy nhiên, dự thảo luật mới nhất chuẩn bị xin ý kiến tại phiên họp đại biểu Quốc hội chuyên trách (26-27/3) không còn nội dung này. Điều 5 dự thảo chỉ nêu việc huy động, sử dụng các nguồn lực để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; bảo đảm ngân sách, cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị hiện đại, các điều kiện bảo đảm và nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ của lực lượng trực tiếp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữa tháng 3, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng băn khoăn đây là nội dung mới, song Chính phủ chưa có báo cáo đánh giá tác động, nhất là tác động đến ngân sách nhà nước, tính phù hợp với các quy định pháp luật có liên quan. Nội dung này cũng không thống nhất với Luật Xử lý vi phạm hành chính, khi luật hiện hành quy định tiền thu được từ xử phạt hành chính phải nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước và phải được quản lý, sử dụng theo quy định về ngân sách nhà nước.
Đồng tình việc đầu tư cho lực lượng bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ là cần thiết, song Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng sử dụng tiền từ xử phạt phải được làm rõ, rành mạch và bảo đảm sự thống nhất. "Chúng ta có rất nhiều lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính, tại sao mỗi lĩnh vực này quy định trích phần trăm còn lĩnh vực khác thì không", ông Tùng nói, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc.
Về đề xuất cảnh sát giao thông được trích 30% khoản tiền thu được từ đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách trung ương, ông Tùng cũng nhận định không phù hợp với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Biển số xe là tài sản công, số tiền thu được khi đấu giá phải được nộp vào tài khoản tạm giữ tại kho bạc nhà nước; sau khi trừ đi chi phí có liên quan đến xử lý tài sản, phần còn lại phải được nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước.
Trong báo cáo tiếp thu giải trình gửi đến phiên họp 31 của Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng - An ninh cũng đề nghị Chính phủ làm rõ hơn đề xuất trên.
Đầu năm 2020, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, phát đi thông báo giải thích việc phân bổ tiền phạt vi phạm giao thông. Theo đó năm 2007, để khắc phục tình trạng tai nạn giao thông tăng cao và hỗ trợ lực lượng chức năng mua sắm trang bị, phương tiện phục vụ công việc, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 89/2007 quy định tiền phạt vi phạm hành chính được phân bổ cho lực lượng chức năng.
Theo văn bản này, cảnh sát giao thông được giữ lại 70% số tiền xử phạt vi phạm giao thông; thanh tra giao thông vận tải (gồm cả trạm cân kiểm tra xe, Cảng vụ đường thủy nội địa) 10%; Ban an toàn giao thông tỉnh, thành phố 10%, 10% còn lại cho công an xã, phường, thị trấn.
Đến năm 2013, Thông tư 89/2007 hết hiệu lực và thay thế bằng Thông tư 153/2013, nêu rõ tiền thu phạt vi phạm hành chính nộp đầy đủ vào ngân sách nhà nước và điều tiết 100% cho ngân sách địa phương, HĐND cấp tỉnh quyết định. Riêng lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, việc điều tiết tiền thu phạt thực hiện theo sự hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Dự thảo luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp 6 cuối năm 2023. Dự kiến, dự luật sẽ được xem xét thông qua tại kỳ họp giữa năm nay.