Sepulveda, nhà văn nổi tiếng người Chile, được đưa vào phòng điều trị tích cực hôm 29/2, nhưng sau đó qua đời ở tuổi 70 và trở thành một trong gần 26.000 người tử vong vì nCoV ở Tây Ban Nha, vùng dịch lớn nhất châu Âu với gần 260.000 ca nhiễm.
Trong khi đó, nước láng giềng Bồ Đào Nha, nơi ghi nhận ca nhiễm nCoV đầu tiên hôm 2/3, báo cáo gần 26.000 ca nhiễm và gần 1.100 trường hợp tử vong.
Thường bị coi là sống dưới cái bóng của "người hàng xóm" cùng bán đảo Iberia, nhưng Bồ Đào Nha dường như đã chiến thắng Tây Ban Nha trong quá trình xử lý Covid-19. Nước này giờ đây bắt đầu nới lỏng hạn chế sau khi tránh khỏi hoàn cảnh tương tự Tây Ban Nha hay Italy.
Bồ Đào Nha đã hành động nhanh chóng với các biện pháp phong tỏa công bố từ hôm 13/3, cùng ngày với Tây Ban Nha, dù khi đó họ mới ghi nhận 122 ca nhiễm và chưa ai chết. Tây Ban Nha tại thời điểm đó báo cáo 132 trường hợp tử vong và hơn 5.000 ca nhiễm.
Theo các nhà dịch tễ học và giới chuyên gia, Bồ Đào Nha chống dịch hiệu quả nhờ tích cực truy tìm nguồn lây nhiễm, xét nghiệm trên diện rộng, cùng khoảng thời gian dài chuẩn bị, do là một trong những nước châu Âu ghi nhận ca nhiễm nCoV đầu tiên muộn nhất.
"Sự lây lan trong cộng đồng bắt đầu từ hôm 12/3, 10 ngày sau khi chúng tôi phát hiện những ca nhiễm đầu tiên, muộn hơn nhiều so với Pháp, Tây Ban Nha hay Italy", Ines Fronteira, giáo sư tại viện y học nhiệt đới và vệ sinh dịch tễ thuộc Đại học Nova ở thủ đô Lisbon, cho biết.
Khi so sánh quá trình phát triển của Covid-19 tại Bồ Đào Nha với Trung Quốc, Hàn Quốc, Italy, Tây Ban Nha, Đức, Pháp và Mỹ, giáo sư Fronteira nhận thấy Bồ Đào Nha ghi nhận tỷ lệ gia tăng số ca nhiễm mới hàng ngày thấp hơn tất cả.
"Bồ Đào Nha có cơ hội quan sát kinh nghiệm của các quốc gia khác, những biện pháp được áp dụng, rồi học hỏi từ đó. Cùng những biện pháp ấy, chúng tôi thực hiện nghiêm ngặt hơn hoặc lỏng lẻo hơn so với nước khác, nhưng tiến hành vào giai đoạn sớm hơn của đại dịch", Fronteira cho hay.
Đáng chú ý không kém tỷ lệ lây nhiễm thấp là bầu không khí bình tĩnh được duy trì suốt cuộc khủng hoảng ở Bồ Đào Nha. Chính phủ tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, nhưng nhận thấy việc củng cố các biện pháp phong tỏa bằng cách phạt những người vi phạm không quá cần thiết. Số vụ bắt liên quan tới các hoạt động gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng là vài chục, trong khi con số này tại Tây Ban Nha khoảng 7.000.
Bối cảnh chính trị tại Bồ Đào Nha cũng hoàn toàn đối lập với tình hình căng thẳng ở Tây Ban Nha. Đảng đối lập chính theo xu hướng trung hữu của Bồ Đào Nha tuyên bố đoàn kết với chính phủ trong cuộc chiến chống Covid-19.
Chính quyền của Thủ tướng Antonio Costa thậm chí nhân cơ hội này "ghi điểm" bằng cách tạm thời trao quyền cư trú hợp pháp cho tất cả người di cư, xóa bỏ mọi rào cản ngăn họ tìm nơi ở hoặc điều trị y tế.
Kể từ khi Costa, lãnh đạo đảng Xã hội, trở thành Thủ tướng Bồ Đào Nha hồi cuối năm 2015, lực lượng lao động trong ngành y tế tăng 13%. Tổng chi phí chính phủ dành cho lĩnh vực này cũng tăng 18%. Hệ thống y tế được củng cố vững chắc sau giai đoạn khủng hoảng đồng euro đầy khó khăn.
Chính phủ Bồ Đào Nha cho biết việc điều trị cho những người nhiễm nCoV chiếm chưa đến 65% công suất giường bệnh của hệ thống y tế. Về vấn đề xét nghiệm, Bộ Y tế Bồ Đào Nha công bố tỷ lệ tại nước này đạt gần 28 trên 1.000 dân, tương đương Tây Ban Nha.
10,2 triệu dân Bồ Đào Nha được phép tự do ra đường từ hôm 3/5. "Cảm giác như được giải phóng khỏi nhà tù", Rodrigo Garcia, một cư dân 40 tuổi, cho biết khi cùng vợ, hai con trai và chó cưng đi dạo dọc bờ sông Tagus ở thủ đô Lisbon dưới ánh mặt trời. "Chúng tôi cảm thấy tự do hơn nhờ tình trạng khẩn cấp quốc gia đã chấm dứt".
Những doanh nghiệp nhỏ, tiệm làm tóc, văn phòng hành chính và thư viện cũng tái mở cửa hôm 4/5, đánh dấu bước khởi đầu của quá trình gỡ phong tỏa theo ba giai đoạn. Bảo tàng, quán bar và nhà hàng dự kiến hoạt động trở lại vào ngày 18/5. Trường học cũng sẽ mở cửa cho một số học sinh.
Theo kế hoạch, Bồ Đào Nha sẽ trở về trạng thái bình thường vào ngày 1/6. Từ giờ đến lúc đó, việc tụ tập trên 10 người vẫn bị cấm và người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang trên phương tiện công cộng. Tuy nhiên, Thủ tướng Costa tuần trước cảnh báo không được chủ quan.
"Tất cả chúng ta đều nhận thức được rằng phải tiếp tục sống chung với Covid-19 cho tới khi có vaccine trên thị trường. Chừng nào dịch bệnh còn hiện diện, cuộc sống của chúng ta chưa thể bình thường", Costa cho hay.
Ánh Ngọc (Theo Telegraph)