Nhóm các nhà khoa học từ Đại học Coburg (Đức) và Đại học Cambridge (Anh) đã thực hiện nghiên cứu với 18 tình nguyện viên là các chuyên gia đang công tác tại các trường Đại học. Họ sẽ dành 35 giờ mỗi tuần để làm việc như bình thường, sau đó tiếp tục với thời gian tương đương ở môi trường thực tế ảo.
Tuy nhiên, hai người đã bỏ cuộc ngay sau ngày đầu tiên vì cảm thấy buồn nôn, đau nửa đầu và lo lắng. 16 người còn lại tiếp tục cho đến hết quá trình thử nghiệm.
Những người tham gia khẳng định làm việc khi đeo kính VR là trải nghiệm "tồi tệ nhất trong các phương pháp làm việc". Hai tác động xấu của nó là tới sức khỏe và năng suất.
Cụ thể, khi tham gia môi trường ảo, hiệu suất của các tình nguyện viên giảm 19%, áp lực về khối lượng công việc tăng 35% so với một tuần làm ở môi trường thực tế. Bên cạnh đó, 42% số người tham gia thấy thất vọng vì không thể hoàn thành tiến độ kịp thời hoặc chất lượng kém khi ở trong metaverse, trong khi con số này ở môi trường thực tế chỉ là 16%.
Các tác động bất lợi trong metaverse không chỉ giới hạn ở sức khỏe tâm thần. Một số còn gặp phải các vấn đề nghiêm trọng về thể chất. Trong đó, tất cả những người tham gia đều cho biết họ bị mỏi mắt, mệt mỏi và buồn nôn thường xuyên. Một người thậm chí đã đau đầu hơn ba tiếng đồng hồ sau 45 phút làm việc. Những người khác cảm thấy kém thoải mái khi đeo kính VR.
Nhóm nghiên cứu thừa nhận đã không chuẩn bị các thiết vị VR tốt nhất trong quá trình nghiên cứu. Tuy nhiên, những model được thử nghiệm đều có giá khoảng 1.000 USD.
Một khảo sát được công bố vào tháng 4 của công ty dịch vụ tài chính Accenture cho thấy, có tới 71% CEO các công ty kỳ vọng metaverse sẽ có tác động tích cực đến tổ chức của họ. 42% nói công nghệ này sẽ mang tính "chuyển đổi". Dù vậy, theo Fortune, kết quả nghiên cứu trên cho thấy việc áp dụng metaverse vào công việc còn rất lâu mới thực sự đạt hiệu quả.
Metaverse đang là mục tiêu đầy tham vọng của các công ty lớn như Meta hay Microsoft. Ngày 21/6, cả hai cùng hàng chục tổ chức và doanh nghiệp khác đã thành lập Tổ chức Tiêu chuẩn Metaverse. Tuy vậy, danh sách thiếu vắng những cái tên đình đám như Apple, hai hãng trò chơi Roblox và Niantic cũng như các nền tảng metaverse dựa blockchain mới nổi như The Sandbox hay Decentraland.
Bảo Lâm