Chiều 9/2, Bộ Công Thương họp với các đầu mối trước việc nguồn cung xăng dầu khan hiếm và nhiều cây xăng tại một số tỉnh phía Nam phải ngừng bán, hoặc bán nhỏ giọt.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước cho biết, với nhu cầu khoảng 1,8-2 triệu m3 xăng dầu các loại một tháng, nguồn cung cơ bản đáp ứng nhu cầu trong tháng 2. Nhưng từ tháng 3, nguồn cung có thể giảm, lượng tồn kho thấp so với các tháng thông thường.
Tuy vậy, vị này trấn an, với kế hoạch Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn chạy đủ công suất từ giữa tháng 3 và đợt hàng nhập khẩu của các doanh nghiệp bắt đầu về, sẽ bù đắp được nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước.
Các đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn cũng đang nhập thêm hàng để đủ cung cho thị trường nội địa.
Hiện PVOil đã tăng nhập xăng dầu, dự kiến ngày 20/2 cập cảng 26.000 m3 xăng và 42.000 m3 dầu. Theo đại diện PVOil, bình quân 3 tháng cuối năm 2021, tại An Giang, mỗi tháng doanh nghiệp này cung cấp gần 2,8 triệu lít các loại. Riêng tháng 1, lượng bán ra của PVOil tăng 11%, hơn 3,1 triệu lít.
Còn Petrolimex cũng đã ký các hợp đồng nhập khẩu để đảm bảo nguồn cung. Tháng trước, lượng xăng dầu bán ra của tập đoàn này tăng 30% so với các tháng thông thường. Các thương nhân đầu mối xăng dầu khác cũng đang ký, nhập khẩu xăng dầu.
Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc PVN cũng khẳng định sẽ đáp ứng nhu cầu trong nước. Sản lượng cung cấp theo hợp đồng của Lọc dầu Dung Quất trong tháng 1 vượt 18%, Nghi Sơn vượt 12%...
Tại cuộc họp, lãnh đạo nhiều địa phương đề xuất việc điều hành giá xăng dầu cần linh hoạt hơn. Long An là địa phương bộc lộ rõ tình trạng khan hiếm xăng vài ngày qua. Do đó, ông Nguyễn Như Lâm, Phó chủ tịch UBND tỉnh, đề nghị việc điều hành của cơ quan quản lý cần linh hoạt, tránh lỗ cho cả hệ thống, khiến các doanh nghiệp hạn chế bán hàng.
"Điều chỉnh cần linh hoạt để tiệm cận hơn giá thế giới. Khi thị trường biến động bất thường, có thể điều chỉnh tức thì, không chờ đến kỳ điều hành để đảm bảo các doanh nghiệp không bị thiệt thòi", ông Lâm đề nghị.
Đồng tình, Phó chủ tịch UBND TP HCM Phan Thị Thắng, cũng nói: "Vừa qua điều chỉnh chưa kịp thời, chiết khấu thấp, ở mức 0 đồng và thậm chí âm, khiến các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu gặp khó khăn".
Ở khía cạnh này, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết sẽ kiến nghị Chính phủ, cho phép liên Bộ Công Thương - Tài chính linh hoạt hơn trong điều hành. Tức là trong điều kiện nguồn cung gặp khó khăn, cho phép cơ quan quản lý rút ngắn thời gian điều chỉnh giá; sử dụng quỹ dự trữ xăng dầu quốc gia nếu cần. Về lâu dài, Bộ này sẽ kiến nghị Chính phủ xem xét nâng mức dự trữ xăng dầu bằng hiện vật.
Ngoài ra, để đảm bảo nguồn cung, ông Diên đề nghị các nhà máy lọc dầu, như Dung Quất, nâng công suất tối đa ở mức kỹ thuật cho phép để có thêm nguồn cho thị trường trong nước.
Việc một số cây xăng tại các tỉnh miền Tây vừa qua đóng cửa, treo biển hết xăng, theo Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, không loại trừ có hiện tượng lợi dụng găm hàng, chờ nâng giá, trục lợi, gây khủng hoảng. Dù chỉ xảy ra rải rác, ông Diên lưu ý, nếu không xử lý nghiêm, sẽ gây khó cho điều hành cung ứng xăng dầu và tổn hại nặng nề cho chương trình phục hồi kinh tế. Ông yêu cầu lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm, xử phạt ở khung cao nhất, thậm chí thu hồi giấy phép kinh doanh xăng dầu.
Anh Minh