Quan điểm này được người phát ngôn Chính phủ nhấn mạnh trước câu hỏi của báo chí liên quan tới việc thoái vốn khỏi Sabeco, Habeco cũng như lộ trình đưa 2 doanh nghiệp này lên sàn chứng khoán.
Chia sẻ tại buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ chiều 4/10, Thứ trưởng Công Thương - Hoàng Quốc Vượng cho biết dù cơ quan quản lý kỳ vọng đưa 2 doanh nghiệp lên sàn ngay trong năm nay, song thực tế, việc niêm yết phải qua nhiều thủ tục và tốn thời gian (12-14 tuần). Trong khi đó, từ nay đến hết năm còn 3 tháng mà Sabeco và nhà đầu tư chiến lược là Carlsberg vẫn có một số vấn đề vướng mắc cần giải quyết.
“Khả năng lên sàn của hai doanh nghiệp ngay trong năm nay là rất khó khăn”, Thứ trưởng Bộ Công Thương thừa nhận và cho rằng quý I/2017 sẽ là khung thời gian khả dĩ hơn.
Nêu quan điểm của Chính phủ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng dứt khoát: “Thủ tướng đã giao cho hai doanh nghiệp phải niêm yết trên sàn chứng khoán ngay trong năm 2016. Nếu chậm thì cơ quan chủ quản là Bộ Công Thương phải chịu trách nhiệm”.
Theo ông, Habeco, Sabeco là 2 trong nhiều trường hợp doanh nghiệp phải lên sàn trước khi thoái vốn Nhà nước theo chủ trương của Chính phủ. "Quan điểm nhất quán là thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước một cách công khai, minh bạch. Bán vốn dứt khoát phải thông qua đấu giá, không bán chỉ định cho một nhà đầu tư nào, không bán giới hạn, không có lợi ích nhóm và mục tiêu là mang lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước. Tóm lại, ai có tiền, trả giá cao nhất thì người đó mua”, Bộ trưởng Dũng nói.
Riêng trường hợp của Sabeco và Habeco chưa niêm yết sau hơn 8 năm cổ phần hóa, ông Dũng cho rằng, bản thân doanh nghiệp đã sai. Nhắc lại quan điểm của Thủ tướng là "Chính phủ không đi bán bia, bán sữa", ông Dũng cho biết cuối tháng 10 này, các cơ quan chức năng sẽ tham mưu Thủ tướng tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về nội dung bán vốn Nhà nước khỏi doanh nghiệp. Nguồn lực thu được sẽ được dành cho đầu tư cho phát triển, phục vụ tăng trưởng và thực hiện các nhiệm vụ quan trọng giai đoạn 2016-2020.