Tại buổi kiểm tra việc dự trữ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trước khi siêu bão số 3 đổ bộ chiều 6/9, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết hàng hóa được doanh nghiệp các địa phương chuẩn bị đầy đủ, đảm bảo phục vụ người tiêu dùng trước, trong và sau bão.
"Bộ Công Thương khuyến cáo người dân không nên đi mua, tích trữ quá nhiều hàng hóa so với nhu cầu trong vài ngày tới", ông Tuấn nói.
Bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội, cho biết cơ quan này đã yêu cầu các siêu thị, doanh nghiệp, nhà phân phối tăng lượng dự trữ các mặt hàng thiết yếu. "Hiện, nguồn hàng hóa trên thị trường rất dồi dào", bà Oanh nói, thêm rằng người dân không cần quá lo lắng việc thiếu lương thực, thực phẩm.
Báo cáo sơ bộ từ các Sở Công Thương và các doanh nghiệp phân phối cho thấy thị trường hàng hóa tại các địa phương chịu ảnh hưởng của bão số 3 cơ bản vẫn ổn định. Sức mua các hàng hóa thực phẩm tươi sống và mỳ gói, nước uống có tăng nhưng nguồn cung vẫn cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu. Các doanh nghiệp đã chủ động tăng lượng dự trữ hàng hóa gấp 2-3 lần so với trước.
Ngoài nguồn cung hàng hóa, cơ quan quản lý và các doanh nghiệp cũng cho biết giá cả hàng hóa hiện vẫn ổn định, chưa có tình trạng găm hàng, đẩy giá.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Siêu thị Big C Thăng Long cho biết từ ngày 5-6/9, siêu thị đã tăng lượng hàng lên 300%, tập trung vào các nhóm sản phẩm thiết yếu như rau củ quả, thịt cá. Sáng 6/9, lượng khách hàng đến mua tăng đột biến, gấp khoảng 20-30 lần ngày thường, đặc biệt trong khoảng từ 12-15h chiều.
Song, Big C Thăng Long khẳng định sẽ không có tình trạng siêu thị tăng giá dịp này. Họ đã làm việc, ký cam kết với nhà cung cấp để đảm bảo giữ ổn định giá cả trong thời gian dài. "Do đó, người dân không nên quá lo lắng", đại diện này cho biết.
Đại diện Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam, đơn vị quản lý hệ thống siêu thị GO!, Big C thông tin họ cũng chủ động dự trữ lượng lớn nhu yếu phẩm, thực phẩm khô gấp 3-5 lần thông thường. Riêng thực phẩm tươi sống như rau thịt cá tăng lượng hàng gấp 2-3 lần ngày thường. Doanh nghiệp này cũng làm việc với nhà cung cấp tăng tần suất giao hàng 2-3 lần mỗi ngày thay vì 1 lần như trước nếu nhu cầu tăng đột biến.
"Đến hiện tại, chúng tôi chưa xảy ra hiện tượng khan hàng, do đó, giá cả tại siêu thị GO!, Big C miền Bắc vẫn đảm bảo như bình thường", đại diện Central Retail nói.
Theo báo cáo của các Sở Công Thương, hiện lực lượng quản lý thị trường tại các tỉnh chịu ảnh hưởng của bão số 3 cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường. Việc này nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi đầu cơ, găm hàng, trục lợi khi nhu cầu hàng hóa tăng cao, gây bất ổn thị trường.
Để kiểm soát giá cả, Phó giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội cho hay họ đã yêu cầu các kênh phân phối nghiêm túc triển khai bình ổn giá cả. "Lực lượng quản lý thị trường cũng liên tục kiểm tra việc cung ứng, giá cả hàng hóa nên không lo có tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý", bà Oanh nói thêm.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, bão Yagi có phạm vi ảnh hưởng rất rộng nên từ trưa nay, vùng biển phía đông của vịnh Bắc Bộ (gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ) có gió mạnh dần lên cấp 6-7. Đến 7h ngày mai, bão giữ hướng và tốc độ trên vùng biển bắc vịnh Bắc bộ, cách Quảng Ninh khoảng 150 km về phía đông đông nam, sức gió mạnh nhất 13-14, giật cấp 17. Đây là một trong những cơn bão được cho là mạnh nhất trên Biển Đông 30 năm qua.
Cơ quan khí tượng dự báo đến 19h ngày mai, bão trên đất liền các tỉnh Đông Bắc Bộ, sức gió mạnh nhất cấp 8-9, giật cấp 11. Những giờ tiếp theo bão đi hướng tây tây bắc và suy yếu trên khu vực biên giới Việt - Lào.
Phương Dung