Những hướng dẫn được Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đưa ra sau khi có nhiều người tiêu dùng tỏ ra hoang mang trước vụ tranh chấp giữa ông Võ Văn Minh (Tiền Giang) và Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Tân Hiệp Phát liên quan đến “chai nước ngọt có ruồi”. Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang sau đó tuyên phạt ông Võ Văn Minh 7 năm tù về tội cưỡng đoạt tài sản.
Bộ Công Thương cho biết, hiện luật quy định, khi phát hiện một hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, khách hàng có thể lựa chọn phương thức thương lượng, nhờ bên thứ ba bảo vệ quyền lợi hoặc khởi kiện trực tiếp tại tòa án. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng có thể phản ánh về hành vi đó tới các cơ quan quản lý Nhà nước, báo chí.
Tuy nhiên, Bộ cho rằng, thực tế trong thời gian qua cho thấy thương lượng là một trong những phương thức hiệu quả nhất và thường được sử dụng. Mặc dù vậy, nếu một trong hai bên không có thiện chí, phương thức này sẽ không mang lại kết quả thống nhất.
Trong quá trình thương lượng, người tiêu dùng cần lưu ý một số nội dung như thương lượng trên cơ sở thông tin thực tế và rõ ràng, đồng thời yêu cầu của người tiêu dùng phải hợp lý và phù hợp với tính chất và mức độ của vụ việc.
"Người tiêu dùng có quyền yêu cầu và doanh nghiệp bồi thường thiệt hại trong trường hợp có thiệt hại trong quá trình tiêu dùng. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng ở đây là xác định mức thiệt hại như thế nào để đảm bảo yêu cầu của người tiêu dùng phù hợp với các quy định pháp luật. Có một số yếu tố người tiêu dùng phải cân nhắc trước khi đưa ra yêu cầu đền bù thiệt hại", Cục Quản lý cạnh tranh khuyến cáo.
Cơ quan này cũng lưu ý một số điểm trong việc xác định thiệt hại. Thứ nhất, thiệt hại phải có tính thực tế và có thể chứng minh. Ví dụ, người tiêu dùng mua một hộp sữa, khi phát hiện sản phẩm bị hỏng do quá trình bảo quản của người bán, thiệt hại liên quan ở đây nên là số tiền mà người tiêu dùng bỏ ra để mua hộp sữa. Doanh nghiệp có thể hoàn tiền, đổi sản phẩm kèm theo một số hỗ trợ hoặc ưu đãi cho các lần mua hàng hóa, dịch vụ…
Trong nhiều trường hợp, để chứng minh rằng người tiêu dùng là người mua sản phẩm, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh có thể yêu cầu người tiêu dùng cung cấp hóa đơn để xác nhận giao dịch.
"Do đặc thù các giao dịch tiêu dùng ở Việt Nam, nhiều khi rất khó để người tiêu dùng xác định được các tài liệu, chứng cứ chứng minh về giao dịch. Trong trường hợp này, người tiêu dùng có thể tìm sự tư vấn, hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý hoặc các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng", Cục Quản lý cạnh tranh cho hay.
Thứ hai, thiệt hại phải hợp lý, phù hợp với tính chất, mức độ của vụ việc. Nhiều trường hợp, việc xác định mức thiệt hại liên quan không có đủ cơ sở, tài liệu để chứng minh, chủ yếu là các thiệt hại liên quan đến sức khỏe, danh dự. Khi đó, người tiêu dùng cần tham khảo nhiều yếu tố trước khi đưa ra mức yêu cầu bồi thường, ví dụ như: giá trị hàng hóa, dịch vụ, chi phí có thể phát sinh để chữa bệnh, mua thuốc hoặc thực tế giải quyết các vụ việc tương tự khác…
Ngọc Tuyên