Kết luận chính thức về kiểm tra chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh tại Công ty cổ phần Con Cưng vừa được Bộ Công Thương công bố hôm nay, 17/8.
Hệ thống siêu thị Con Cưng vấp phải nghi vấn gian lận xuất xứ hàng hoá từ khiếu nại của một khách hàng tại TP HCM khi mua một bộ quần áo thun có mã sản phẩm CF G127011. Khách hàng này cho rằng sản phẩm đã bị cắt tem nhãn, thay thế bằng tem xuất xứ "Made in Thái Lan".
Tuy nhiên, theo kết quả kiểm tra với 75 mẫu sản phẩm, hàng hóa và các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Con Cưng, đoàn kiểm tra Bộ Công Thương đánh giá, về cơ bản công ty đã chấp hành đúng các quy định của pháp luật trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chất lượng sản phẩm hàng hóa và nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Đoàn kiểm tra cũng nhận thấy hồ sơ nhập khẩu của Con Cưng hợp lệ theo các quy định của pháp luật về thủ tục hàng hóa nhập khẩu.
Mặc dù vậy, qua việc kiểm tra, cơ quan chức năng vẫn phát hiện một số hành vi không chấp hành đúng quy định như vi phạm về nhãn hàng hóa được quy định tại các Điều 30, 31 Nghị định số 119/2017 của Chính phủ; vi phạm về khuyến mại quy định tại Điều 48 Nghị định số 185/2013 của Chính phủ; vi phạm về thương mại điện tử tại các Điều 81, 82, 84 của Nghị định số 185/2013, với hoạt động của website thương mại điện tử bán hàng.
Với các vi phạm hành chính, Bộ Công Thương cho biết, đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường và các Chi cục xử lý theo quy định của pháp luật. Đối với Công ty cổ phần Con Cưng, Bộ Công Thương yêu cầu có biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đã được phát hiện. Cùng đó, tiếp tục rà soát việc chấp hành pháp luật trong các hoạt động kinh doanh, báo cáo Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng. Với các sản phẩm có vi phạm về nhãn mác, yêu cầu công ty khắc phục xong các vi phạm này trước khi đưa vào lưu thông.
Trao đổi với VnExpress sáng 17/8, ông Nguyễn Quốc Minh – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Con Cưng cho biết, chưa nhận kết luận chính thức từ Bộ Công Thương. Tuy nhiên, sau khi kết thúc đợt thanh tra cuối tuần trước, doanh nghiệp này đã nắm sơ bộ thông tin và các yêu cầu từ phía cơ quan quản lý về việc khắc phục liên quan tới khuyến mãi, thương mại điện tử...
“Hầu hết vi phạm của Con Cưng đều là những sai sót trong quá trình vận hành như nhân viên non kinh nghiệm, chính sách quản lý của nhà nước cập nhật liên tục...” ông Minh nói.
Theo đại diện Con Cưng, doanh nghiệp này đang xây dựng quy trình kiểm soát nội bộ chặt chẽ hơn từ khâu nhập hàng đến lưu kho, xuất bán để tránh trường hợp tương tự. Riêng với bộ quần áo thun có mã CF G127011 - sản phẩm khơi mào cho sự cố này, ông Minh cho biết, Con Cưng tự nguyện thu hồi để không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Đoàn kiểm tra toàn bộ hệ thống siêu thị Con Cưng trên toàn quốc được Bộ Công Thương quyết định lập vào cuối tháng 7, sau những kiểm tra ban đầu thấy có dấu hiệu vi phạm của lực lượng quản lý thị trường TP HCM .
Từ khi bị nghi vấn, phía Con Cưng liên tục bác bỏ và đưa ra bằng chứng khẳng định mình không bán hàng giả, hàng nhái trong các thông cáo phát đi. Chuỗi siêu thị này đã trưng 22 giấy chứng nhận bán hàng chính hãng của các nhãn hàng. Con Cưng cho rằng, những sản phẩm bị khiếu nại của khách hàng hay thu giữ của cơ quan quản lý thị trường là do sai sót từ đơn vị gia công và lý do khách quan.
Được thành lập từ năm 2011, chuỗi siêu thị mẹ và bé này tập trung chủ yếu ở TP HCM và các tỉnh phía Nam. Đầu năm 2017, Con Cưng đã nhận khoản đầu tư từ Daiwa-SSIAM II và bắt đầu mở rộng thị phần. Chỉ riêng số cửa hàng mở ra trong năm 2017 sau khi được "đỡ đầu" đã cao hơn số của 5 năm trước.
Con Cưng hiện là chuỗi có quy mô lớn nhất trên thị trường với 318 siêu thị trên toàn quốc, bao gồm 288 siêu thị với thương hiệu Con Cưng và 30 cửa hàng ToyCity.
Nguyễn Hoài - Phương Đông