Trong số hồ sơ cơ quan chức năng thu thập được có danh sách những "quan chức" có cổ phần tại công ty Yteco mặc dù không bỏ tiền ra mua.
Trước đó, Cục điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã đến kiểm tra tại trụ sở Công ty Yteco và phát hiện công ty này có hành vi cạo sửa quota, nhập khẩu thuốc không có giấy phép với tổng giá trị gần 7 triệu USD đối với 3 loại thuốc: tân dược, nguyên liệu dược và vacxin.
Ngày 11/3/2003, Yteco làm đơn hàng số 305 gửi Cục Quản lý dược xin nhập 5 loại nguyên liệu dược. Sau khi được Cục Quản lý dược có công văn số 1469 cho phép nhập hàng theo đơn, Yteco đã lợi dụng để nhập loại dược liệu khác hiện hút hàng trong nước. Theo đó, tại mục 2 của đơn hàng 305, Yteco cạo sửa tên loại dược liệu Econazole Nitrate thay bằng loại Luxy 099 số lượng 10.000 kg, đồng thời cũng thay tên nhà sản xuất từ Singapore thành Đài Loan...
Bên cạnh đó, Yteco còn nhập độc dược bằng "chiêu" sửa cụm từ đã được Cục Quản lý dược phê duyệt “xác nhận đơn hàng này gồm hai trang năm khoản” thành “hai trang sáu khoản” để nhập 4 triệu viên thuốc Benalapril vào đơn hàng đã được duyệt số 711 ngày 17/7/2002.
Hơn thế nữa, Yteco còn có hành vi "đi đêm" với các hãng dược phẩm nước ngoài để "góp phần" đưa giá thuốc trong nước leo thang. Có một số bản thỏa thuận riêng giữa Yteco và các nhà cung cấp dược phẩm nước ngoài để hưởng tiền hoa hồng. Rõ nhất là bản thỏa thuận ký ngày 31/3/2003 giữa Yteco với đại diện Công ty Ebewe Pharma về việc hưởng 6% trên tổng giá trị hóa đơn ở mỗi hợp đồng. Theo đó, Ebewe đảm bảo hoạt động tiếp thị để có đơn hàng từ bệnh viện, chịu trách nhiệm thực hiện các chương trình khuyến mãi, hỗ trợ kinh phí giao hàng tại các tỉnh, đảm bảo bù chênh lệnh khi có sự thay đổi tỷ giá ngoại tệ.... Ngược lại, Yteco chịu trách nhiệm lấy đơn hàng và giao hàng cho bệnh viện nhanh chóng, kịp thời, phối hợp với Ebewe dự thầu cung cấp thuốc cho bệnh viện... Tuy nhiên, số tiền hoa hồng này không được báo cáo trong sổ sách kế toán.
H. Nguyễn