10h sáng nay, Bộ Công an sẽ tổ chức họp báo về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính giấy tờ công dân, trong đó tập trung giải đáp thắc mắc về phương án bỏ sổ hộ khẩu.
Hơn một tuần trước Chính phủ thông qua Nghị quyết 112 có nêu phương án bỏ sổ hộ khẩu trong việc quản lý dân cư, thay vào đó quản lý bằng mã số định danh cá nhân, cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Chính phủ cũng đề ra phương án sẽ bỏ quản lý dân cư tạm trú bằng “sổ tạm trú”.
Trước lo ngại có thể gây xáo trộn trong quản lý, chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 6/11, Bộ trưởng Công an Tô Lâm nhấn mạnh: "Đây là thay đổi nhằm đơn giản hoá thủ tục hành chính chứ không phải bỏ quản lý dân cư".
Đại tá Nguyễn Hữu Cầu (Giám đốc Công an Nghệ An) đánh giá việc bỏ hộ khẩu là "chủ trương hợp lý", vừa tạo thuận tiện cho người dân vừa giảm bớt thủ tục để bộ máy nhà nước vận hành nhanh chóng hiệu quả, tiết kiệm kinh phí...
Chủ trương này của Chính phủ được nhiều người dân ủng hộ, mong sớm được áp dụng. Một độc giả cho hay: "Mỗi lần đi làm giấy tờ nhà đất, khai sinh hay đăng ký xe... tôi đều phải mang sổ hộ khẩu. Cán bộ làm thủ tục mất rất nhiều thời gian kiểm tra mà lại rườm rà. Việc này nếu thay thế được mã số định danh cá nhân thì chỉ cần đọc tên là ra hết mọi dữ liệu, sẽ rất thuận tiện".
Luật sư Vũ Tiến Vinh cho rằng việc bỏ quản lý dân cư bằng hộ khẩu là “đột phá tư duy về quản lý cư trú”. Việc quản lý hộ khẩu đã gây phiền hà cho đại bộ phận dân chúng, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân khi tiếp cận các quyền căn bản...
"Điệp khúc có nhà mới được đăng ký thường trú nhưng muốn được đăng ký thường trú (sổ hộ khẩu) thì phải có nhà đã thành nỗi ám ảnh cho nhiều người”, luật sư nói.
Sổ hộ khẩu ra đời từ bao giờ?
Hộ khẩu là phương thức quản lý nhân khẩu, cư dân, do cơ quan công an cấp cho gia đình hoặc tập thể. Mỗi hộ khẩu do một người đứng tên "chủ hộ". Hiện, hình thức quản lý bằng hộ khẩu chỉ có một số ít quốc gia áp dụng.
Từ năm 1957, chính phủ ra quy định về một số biện pháp hạn chế cư dân vùng nông thôn di chuyển ra các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng. Bảy năm sau, hệ thống hộ khẩu được áp dụng tại miền Bắc. Từ tháng 4/1975, chế độ hộ khẩu áp dụng trên cả nước.
Mẫu sổ hộ khẩu do Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) phát hành, thống nhất trong cả nước. Hiện nhiều thủ tục trong cuộc sống của người dân có liên quan sổ hộ khẩu như đăng ký học, bảo hiểm, cấp sổ đỏ, thế chấp tài sản, xin việc làm...
Để thắt chặt việc nhập hộ khẩu về các thành phố trung ương, theo Luật Cư trú, công dân phải đáp ứng được điều kiện sau:
- Có chỗ ở hợp pháp, tạm trú ở thành phố đó một năm trở lên nếu muốn đăng ký thường trú vào huyện, thị xã; hai năm trở lên nếu muốn đăng ký thường trú vào quận.
- Được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: vợ về ở với chồng, con về ở với cha mẹ hoặc ngược lại; người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, nghỉ thôi việc về ở với anh, chị, em ruột…
- Được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn và có chỗ ở hợp pháp.
- Trước đây đã đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương, nay trở về thành phố đó sinh sống tại chỗ ở hợp pháp của mình.