- Thẻ căn cước công dân có gì khác biệt so với các loại chứng minh thư 9 số và 12 số hiện nay, thưa ông?
- Về cơ bản, chứng minh thư 9 số, 12 số và thẻ căn cước công dân khác nhau về tên gọi, còn giá trị sử dụng tương đương. Thẻ căn cước có một số thay đổi về nội dung tuy nhiên không đáng kể và không làm thay đổi về giá trị. Công dân không nhất thiết phải đổi chứng minh thư sang thẻ căn cước khi chứng minh thư vẫn còn giá trị.
Thẻ căn cước được làm trên công nghệ hiện đại hơn và được gắn mã số định danh của từng người. Cơ quan quản lý chỉ cần tra mã số trên hệ thống dữ liệu là có thể nắm được thông tin của cá nhân một cách nhanh chóng. Ngoài ra, thẻ căn cước có thể dùng thay hộ chiếu tùy theo thỏa thuận của Chính phủ với các nước.
- Tại sao Bộ Công an không đề xuất thêm phần tiếng Anh và kiến nghị Chính phủ chuyển thẻ căn cước thành hộ chiếu cho thuận thiện, gọn nhẹ?
- Việc làm mẫu thẻ căn cước đã được bàn nhiều và theo Luật căn cước được Quốc hội phê chuẩn thì thẻ chỉ có tiếng Việt. Ngoài ra thẻ căn cước chỉ có giá trị pháp lý tại Việt Nam nên việc để hoàn toàn bằng tiếng Việt cũng là đúng với quy định.
Khi đất nước hội nhập, tùy theo nội dung chúng ta thoả thuận với các nước khác, người dân mới có thể sử dụng thẻ căn cước thay hộ chiếu. Còn lại, khi ra nước ngoài người dân vẫn phải sử dụng hộ chiếu.
Thiếu tướng Trần Văn Vệ. Ảnh: Bá Đô |
- Người mang thẻ căn cước thực hiện các giao dịch dân sự (ngân hàng, công chứng...), nếu mã số không trùng khớp với số chứng minh thư cũ, thì được giải quyết như thế nào?
- Chúng tôi đã nghiên cứu và thống nhất với các cơ quan liên quan cách thức giải quyết vấn đề này. Khi người dân làm thủ tục cấp, đổi chứng minh thư sang thẻ căn cước, cán bộ tiếp nhận sẽ cắt góc chứng minh thư cũ và trả cho người dân giữ. Khi gặp khó khăn trong việc công chứng, hay giao dịch ngân hàng, bảo hiểm... người dân có thể xuất trình chứng minh thư đã bị cắt góc và các cơ quan liên quan phải có trách nhiệm giải quyết như bình thường.
Ngoài ra, người dân có nhu cầu cũng sẽ được lực lượng công an cấp giấy xác nhận về việc thay đổi số chứng minh thư sang thẻ căn cước công dân.
- Thẻ căn cước công dân sẽ được triển khai rộng rãi trên toàn quốc hay chỉ một số tỉnh thành?
- Hiện có 16 tỉnh thành đủ cơ sở vật chất để cấp thẻ căn cước công dân gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hoá, TP HCM, Cần Thơ, Tây Ninh, Vũng Tàu và Quảng Bình. Các địa phương khác vẫn cấp chứng minh thư như bình thường.
Đến năm 2020, khi cơ sở vật chất đầy đủ, các địa phương khác mới có thể cấp đồng loạt. Địa phương nào cấp thẻ căn cước thì dừng cấp chứng minh thư.
Theo Luật Căn cước công dân có hiệu lực từ 1/1/2016, công dân Việt Nam từ 14 tuổi trở lên sẽ được cấp thẻ căn cước 12 số. Đây là giấy tờ tùy thân, thể hiện thông tin cơ bản về lai lịch, nhận dạng, được sử dụng trong các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Thẻ căn cước công dân được sử dụng thay cho hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ căn cước công dân thay cho hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau. Việc cấp thẻ căn cước công dân được thực hiện giống cấp chứng minh thư 12 số, tại phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội công an các tỉnh, thành phố; Công an quận, huyện và đơn vị hành chính tương đương. |
Bá Đô