Việc phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại hoặc có nguy cơ xâm hại là trái với quy định của pháp luật hiện hành:
- Luật Đa dạng sinh học năm 2008 (tại Khoản 1 Điều 52) quy định: "Việc nuôi loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại chỉ được tiến hành sau khi có kết quả khảo nghiệm loài ngoại lai đó không có nguy cơ xâm hại đối với đa dạng sinh học và được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp phép".
- Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (tại Khoản 2 Điều 43): "Phạt tiền từ 5.000.000 đến 10.000.000 đồng đối với hành vi nuôi, lưu giữ, vận chuyển, trồng, cấy loài ngoại lai xâm hại ngoài phạm vi khu bảo tồn vì mục đích thương mại, trong trường hợp kiểm soát được sự phát triển, lây lan của chúng và chưa gây ra thiệt hại". Đối với các hành vi nuôi, lưu giữ, vận chuyển, trồng, cấy loài ngoại lai xâm hại ngoài phạm vi khu bảo tồn, tùy mức độ thiệt hại thì mức xử phạt sẽ tăng nặng theo quy định tại Khoản 3, Điều 43 Nghị định này.
- Nghị định số 103/2013/NĐ-CP ngày 12/9/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản (tại điểm b Khoản 4 Điều 24) quy định: "Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: b) Nuôi các loài thủy sản thuộc danh mục cấm nuôi trồng hoặc không có tên trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam theo quy định của pháp luật".
- Thông tư số 53/2009/TT-BNNPTNT ngày 21/8/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng về quy định quản lý các loài thủy sinh ngoại lai (tại Khoản 6 Điều 7) "Nghiêm cấm chủ sở hữu tự ý phóng sinh thủy sinh vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại ra môi trường tự nhiên, khu bảo tồn và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi này".