Theo Bộ Công an, dẫn độ góp phần giải quyết các vụ án hình sự mà tội phạm đã bỏ trốn ra nước ngoài, hoặc từ nước ngoài vào Việt Nam. Từ năm 2018 đến nay Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý 41 yêu cầu dẫn độ nước ngoài gửi đến, và chuyển 95 hồ sơ yêu cầu dẫn độ đến nước ngoài.
Vì sao cần xây dựng Luật Dẫn độ?
Bộ Công an đánh giá, quy định về dẫn độ trong Luật Tương trợ tư pháp (TTTP) năm 2007 đã bộc lộ 7 hạn chế, sau 15 năm thi hành.
Trong đó, Luật TTTP điều chỉnh chung cả 4 lĩnh vực dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù. Mỗi lĩnh vực lại có đặc thù riêng và bộ ngành phụ trách riêng, nên việc áp dụng chung luật như hiện tại, là bất cập.
Luật TTTP chưa đáp ứng yêu cầu mới do sự phát triển trong từng lĩnh vực, thiếu những quy định cụ thể phù hợp cho từng trường hợp; chưa có quy định về trình tự, thủ tục để dẫn độ, thủ tục dẫn độ đơn giản, quá cảnh dẫn độ và áp dụng các biện pháp ngăn chặn...
Hiện, nhiều nước đã xây dựng luật dẫn độ riêng, trong khi quy định dẫn độ ở Luật TTTP nước ta chưa tương thích với pháp luật, điều ước quốc tế, thông lệ quốc tế.
Ví dụ, luật hiện hành không quy định biện pháp "bắt khẩn cấp" (bắt trước khi nước yêu cầu dẫn độ đưa ra yêu cầu chính thức), nhằm ngăn chặn ngay việc người bị yêu cầu dẫn độ bỏ trốn. Trong khi theo thông lệ quốc tế và nhiều điều ước quốc tế về dẫn độ mà Việt Nam đã ký kết, đều có quy định này.
Một số quy định của Luật TTTP chưa dự báo được hết các vấn đề có thể phát sinh như: trường hợp người bị dẫn độ là công dân Việt Nam bị nước ngoài yêu cầu dẫn độ để thi hành án, trường hợp người bị yêu cầu dẫn độ bỏ trốn khỏi Việt Nam trước khi có căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn...
Do đó, Bộ Công an xây dựng Luật Dẫn độ nhằm hoàn thiện pháp luật về dẫn độ đồng bộ, hiện đại, chặt chẽ, khả thi, phù hợp với quốc tế, nâng cao hiệu quả truy bắt những người thực hiện hành vi phạm tội rồi bỏ trốn ra nước ngoài.
Những điểm đặc biệt của Dự thảo Luật Dẫn độ
Dự thảo nêu 5 nguyên tắc dẫn độ, gồm: tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; bình đẳng và các bên cùng có lợi; phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; đảm bảo "không xét xử hai lần về cùng một tội phạm"...
Ngoài ra, dự thảo quy định nhiều nội dung chưa từng xuất hiện trong Luật TTTP Tư pháp 2007. Ví dụ, về trình tự, thủ tục "bắt khẩn cấp" để dẫn độ theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, dự thảo nêu nếu nước ngoài yêu cầu Việt Nam bắt khẩn cấp để dẫn độ, TAND cấp tỉnh có thể xem xét yêu cầu dẫn độ trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày xác định chính xác nơi ở của người đó tại Việt Nam, nếu đáp ứng được các điều kiện quy định cụ thể trong luật này.
Dự thảo cũng nêu quy định mới về Dẫn độ đơn giản. Cụ thể, nếu người bị dẫn độ đồng ý bằng văn bản với việc bị dẫn độ thì Việt Nam có thể xem xét áp dụng thủ tục dẫn độ đơn giản (kể cả khi các điều kiện về thủ tục chưa đáp ứng hoàn toàn), nhằm giảm bớt các thủ tục.
Ví dụ, quốc gia A lập hồ sơ yêu cầu dẫn độ và đề nghị quốc gia B dẫn độ người C. Thông thường, quốc gia B sẽ cần khoảng 5 tháng để xem xét, quyết định dẫn độ mà không cần sự đồng ý của người C. Tuy nhiên, nếu người C đồng ý với việc bị dẫn độ theo đề nghị của quốc gia A thì quốc gia B có thể ngay lập tức bàn giao mà không cần phải trải qua thời gian 5 tháng.
Về quy định Dẫn độ cho nước thứ ba, dự kiến sau khi người bị dẫn độ đã được chuyển giao cho Việt Nam, Việt Nam có thể dẫn độ người này cho nước thứ ba nếu nước đã bàn giao đồng ý, hoặc người bị dẫn độ không rời khỏi lãnh thổ Việt Nam sau 45 ngày kể từ ngày người đó được tự do.
Đưa ra cam kết không thi hành hình phạt tử hình
Theo Bộ Công an, Việt Nam hiện có quy định hình phạt tử hình và không hạn chế việc dẫn độ đối với người có thể sẽ bị kết án tử hình. Tuy nhiên, một số hiệp định về dẫn độ giữa Việt Nam và các nước có quy định chỉ xem xét yêu cầu dẫn độ nếu Việt Nam cam kết không áp dụng án tử hình hoặc tuyên tử hình. Nếu không có cam kết về vấn đề này, việc dẫn độ sẽ bị từ chối.
Một số quốc gia, đặc biệt là một số nước châu Âu không quy định hình phạt tử hình, do đó khi xử lý các yêu cầu dẫn độ, các quốc gia này đều đề nghị Việt Nam cam kết không phạt tử hình người bị dẫn độ. Nếu Việt Nam không đồng ý họ sẽ từ chối dẫn độ, dẫn đến hậu quả bỏ lọt tội phạm.
Theo Bộ Công an, trình tự, thủ tục đưa ra cam kết không thi hành hình phạt tử hình là một vấn đề phức tạp, chưa được quy định trong Luật TTTP. Do đó, trong dự thảo Luật Dẫn độ dự kiến lần đầu tiên đề cập quy định về thủ tục này.
Cụ thể, nếu nước ngoài yêu cầu cam kết không tử hình, Cơ quan trung ương về dẫn độ chủ trì, phối hợp bộ, ngành liên quan sẽ báo cáo Chủ tịch nước.
Trên cơ sở quyết định của Chủ tịch nước, Cơ quan trung ương sẽ đưa ra thông báo về nội dung cam kết không thi hành hình phạt tử hình theo quy định của điều ước quốc tế. Bộ Ngoại giao sẽ đưa ra thông báo về nội dung cam kết không thi hành hình phạt tử hình theo nguyên tắc "có đi có lại".
Đối với trường hợp Việt Nam yêu cầu, Cơ quan trung ương về dẫn độ sẽ đề nghị nước ngoài đưa ra cam kết không thi hành hình phạt tử hình.
Giữ lại toàn bộ quy định quan trọng trong Luật TTTP 2007
Ngoài các điều khoản lần đầu có, dự thảo Luật Dẫn độ vẫn giữ lại các quy định quan trọng trong Luật TTTP 2007, điển hình là 5 trường hợp Việt Nam từ chối dẫn độ cho nước ngoài: khi người bị yêu cầu dẫn độ là công dân Việt Nam; hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc hết thời hiệu thi hành bản án; người bị yêu cầu dẫn độ có khả năng bị truy bức, tra tấn ở nước yêu cầu dẫn độ...
Việt Nam cũng có thể từ chối dẫn độ cho nước ngoài nếu tội phạm liên quan đến chính trị, quân sự; người bị yêu cầu dẫn độ đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở Việt Nam về hành vi phạm tội được nêu trong yêu cầu dẫn độ; khi có căn cứ cho rằng nước ngoài không thực hiện các yêu cầu dẫn độ của Việt Nam...
Kinh phí hoạt động dẫn độ sẽ được cấp cho Bộ Công an
Theo tính toán, trung bình mỗi năm Việt Nam xử lý 10 vụ dẫn độ, sẽ cần chi phí khoảng 1,49 tỷ đồng - tức 149 triệu đồng mỗi vụ. Trong đó, chi phí chi trả cho cán bộ được giao tiếp nhận, xử lý các yêu cầu dẫn độ là khoảng 49 triệu đồng mỗi vụ việc. Mỗi vụ việc sẽ mất khoảng 90 ngày giải quyết.
Chi phí xử lý hồ sơ khoảng 100 triệu đồng mỗi bộ, gồm chi phí dịch tài liệu, xử lý hồ sơ, thực hiện công tác điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ để thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp; điều tra, xác minh đối tượng để dẫn độ theo yêu cầu của Việt Nam hoặc nước ngoài; chi tổ chức hội thảo...
Bộ Công an cũng đề xuất, khi Luật Dẫn độ được ban hành, Nhà nước cần bố trí thêm một khoản kinh phí cho việc tổ chức thực hiện Luật Dẫn độ như chi phí triển khai xây dựng các văn bản quy định chi tiết dự kiến phải sửa đổi, bổ sung và ban hành mới để đồng bộ với quy định của Luật (nếu có); chi phí tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, tuyên truyền, phổ biến luật; chi phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động dẫn độ.
Dự thảo bắt đầu lấy ý kiến từ 25/7 đến hết 25/9.
Dẫn độ là việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình để nước được chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người đó.
Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam có thể:
a) Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài dẫn độ cho Việt Nam người có hành vi phạm tội hoặc bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực pháp luật để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án.
b) Thực hiện việc dẫn độ người nước ngoài đang ở trên lãnh thổ Việt Nam có hành vi phạm tội hoặc bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực pháp luật cho nước yêu cầu để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án.
- Thực hiện việc dẫn độ người nước ngoài đang ở trên lãnh thổ Việt Nam có hành vi phạm tội hoặc bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực pháp luật cho nước yêu cầu để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án.
Điều 32 Luật Tương trợ tư pháp 2007
Thanh Lam