- Sau khi chiếu cố tiêu chuẩn chính trị cho thí sinh Bùi Kiều Nhi (có bố từng bị chịu án), Bộ Công an tiếp tục giải quyết cho em Nguyễn Đức Ngà được vào Học viện Cảnh sát nhân dân. Nếu trong thời gian tới lại có những lá đơn kêu cứu tương tự, Bộ sẽ giải quyết như thế nào thưa ông?
- Những ngày qua, Bộ trưởng Trần Đại Quang đã chỉ đạo chặt chẽ, yêu cầu Tổng cục Chính trị làm theo đúng quy định và căn dặn "trường hợp nào xem xét chiếu cố được thì phải xem xét chiếu cố".
Thời gian tới, nếu có các trường hợp tương tự như hai em Bùi Kiều Nhi và Nguyễn Đức Ngà, Bộ Công an vẫn phải xem xét, giải quyết, đúng theo quy định.
- Vậy quy định của Bộ Công an về những trường hợp nêu trên như thế nào thưa ông?
- Bộ Công an đã có Thông tư số 53 ngày 15/8/2012, quy định tiêu chuẩn chính trị của cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân, kể cả tuyển mới. Tổng cục Chính trị cũng đã có Hướng dẫn số 9443 ngày 15/10, hướng dẫn đơn vị địa phương thực hiện thông tư 53 này.
Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cẩn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an nhân dân. |
Theo đó, đối với các trường hợp có thân nhân bị tòa tuyên phạt dưới 3 năm tù hoặc cho hưởng án treo và đã được xóa án tích, trừ trường hợp phạm các tội như: xâm phạm an ninh quốc gia, tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự con người, các tội xâm phạm sở hữu, tội phạm ma túy...đã được quy định trong Bộ luật hình sự, nếu hiện thân nhân chấp hành tốt chủ trương, pháp luật của nhà nước thì công an các địa phương báo cáo về Tổng cục Chính trị để xem xét, kết luận.
Đáng ra những trường hợp của em Bùi Kiều Nhi, Nguyễn Đức Ngà, công an tỉnh phải có văn bản báo cáo, Bộ Công an sẽ xem xét, trường hợp nào chiếu cố được Tổng cục Chính trị sẽ giải quyết. Tuy nhiên, công an một số địa phương nắm bắt chưa tốt, chưa báo cáo kịp thời nên mới xảy ra tình trạng như vừa qua.
- Những người ủng hộ coi đây là quyết định nhân văn trong khi nhiều người lại cho rằng công an là ngành đặc biệt nên quy định phải chặt chẽ. Ông suy nghĩ thế nào về hai luồng ý kiến này?
- Nói quyết định trên là nhân văn cũng được, tuy nhiên trường hợp của hai thí sinh vừa qua vẫn nằm trong quy định được xem xét chiếu cố.
Nói công an là ngành đặc biệt - chắc chắn rồi. Từ năm 2012, khi có thông tư 53, những quy định về tiêu chuẩn chính trị rất chặt chẽ. Trước khi đưa vào quy định, các cơ quan của Bộ cũng đã nghiên cứu kỹ càng. Vì vậy, thực tế, những trường hợp bố mẹ, anh chị em của thí sinh vi phạm pháp luật nhẹ vẫn được chiếu cố, còn những trường hợp cùng huyết thống mà án nặng, ảnh hưởng lớn đến việc giáo dục gia đình thì chắc chắn ngành công an không thể tiếp nhận.
- Việc xét tiêu chuẩn chính trị, gia cảnh làm mất đi cơ hội của nhiều thanh niên trong khi quy định "cha làm con chịu" dường như đã lỗi thời. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
- Công an là ngành đặc thù, là lực lượng đảm bảo an ninh quốc gia, nên phải tuyệt đối trung thành. Bầt kỳ một chế độ nào đều quan tâm đến việc đó. Những tội phạm như xâm phạm an ninh quốc gia, nói xấu Đảng, Nhà nước...thì những người trong gia đình đó ít nhiều bị ảnh hưởng. Các ngành khác có thể không quan tâm nhưng công an phải chặt chẽ. Thông tư quy định tiêu chuẩn chính trị của cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân ban hành từ năm 2012, qua nhiều năm thực hiện chưa thấy phản ánh gì bất cập.
Mỗi ngành nghề có quy định về tiêu chuẩn khác nhau, khi thí sinh chấp nhận vào ngành thì phải tuân thủ quy định của ngành đó. Chưa có ai nói tiêu chuẩn của Bộ Công an là nặng hay nhẹ, mà các yêu cầu đều đảm bảo hợp lý.
Tất nhiên, Bộ không duy ý chí, trong từng thời điểm, có thể khi xã hội phát triển ở góc độ khác thì quy định có thể sẽ được điều chỉnh. Nhưng ở thời điểm hiện tại, khi đất nước thống nhất chưa lâu thì chưa thể bỏ quy định này được.
Tuyển sinh vào các trường công an nhưng thực chất là chúng tôi đang tuyển dụng. Khi vào học, học viên đã được phát quần áo và coi như được biên chế trong lực lượng công an nhân dân, học xong ra trường sẽ được sắp xếp việc làm. Vì vậy, mọi tiêu chí phải chặt chẽ, đảm bảo lựa chọn được đúng người để phát triển lực lượng, bảo vệ đất nước.
Hoàng Thùy thực hiện