Từ 1/7, Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực thi hành, phương thức quản lý dân cư thông qua sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bắt đầu được thay thế bằng số định danh cá nhân, cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Cũng từ hôm nay, hai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân chính thức vận hành, góp phần phục vụ quản lý dân cư theo cách thức mới.
Làm thế nào để việc quản lý theo phương thức mới bảo đảm thống nhất, đồng bộ? Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy hiện nay có giá trị sử dụng đến bao giờ và sẽ không được cấp mới, cấp lại trong trường hợp nào? Những lợi ích của việc sử dụng căn cước công dân có gắn chip là gì? Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được vận hành như thế nào?
Tất cả những vấn đề trên được đại diện Bộ Công an giải đáp tại buổi phỏng vấn trực tuyến trên VnExpress. Hai khách mời tham gia chương trình gồm:
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an;
Đại tá Đỗ Khắc Hưởng, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách Hành chính - Tư pháp, Bộ Công an.
"Mã số định danh công dân dùng thay sổ hộ khẩu giấy"
- Luật Cư trú sửa đổi có điểm gì mới, nổi bật, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân? (Vũ Tuân, 31 tuổi, Thái Bình)
- Đại tá Đỗ Khắc Hưởng:
So với Luật Cư trú 2006 thì Luật Cư trú 2020 có nhiều điểm mới đột phá liên quan đến đời sống người dân cũng như công tác quản lý nhà nước.
Có hai nội dung thể hiện chính sách mới trong quản lý cư trú. Luật Cư trú mới quy định điều kiện đăng ký thường trú ở các thành phố trực thuộc trung ương và các tỉnh như nhau. Trước đây, để đăng ký thường trú vào 5 thành phố trực thuộc trung ương (Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng) ngoài các điều kiện như với các tỉnh khác, còn có thêm quy định người dân phải có thời gian tạm trú nhất định liên tục mới được đăng ký hộ khẩu. Ví dụ vào các huyện, xã của các thành phố này phải liên tục tạm trú 1 năm trở lên; còn vào các quận nội thành từ 2 năm trở lên; riêng quận nội thành Hà Nội phải từ 3 năm trở lên.
Luật Cư trú 2020 thì đã bỏ điều kiện này, như vậy điều kiện đăng ký thường trú các tỉnh, thành như nhau.
Trên toàn quốc, những người có chỗ ở hợp pháp thuộc sở hữu của mình đều đủ điều kiện đăng ký thường trú. Những người có chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ đảm bảo bình quân diện tích mặt sàn theo quy định của HĐND tỉnh, thành thì được đăng ký thường trú. Như vậy, người dân chỉ cần một điều kiện là sở hữu chỗ ở hợp pháp và được chủ hộ đồng ý, sẽ được đăng ký thường trú.
Chính sách thứ hai tạo điều kiện tốt hơn quyền tự do cư trú của người dân. Trong Luật Cư trú 2006 chỉ có 3 nơi công dân được đăng ký thường trú, gồm: Nhà ở, nơi đóng quân của công an, quân đội nhân dân, trên các tàu thuyền phương tiện sử dụng để ở. Luật mới còn bổ sung thêm 4 nơi công dân được đăng ký cư trú là: Cơ sở tín ngưỡng tôn giáo, cơ sở bảo trợ xã hội, nơi cư trú của người chăm sóc nuôi dưỡng giúp đỡ người cơ nhỡ ngoài cộng đồng và thực tế nơi sinh sống của người không đăng ký thường trú, tạm trú.
Đây là chính sách rất nhân đạo của luật mới, bởi trên thực tế một số người dân không có nơi tạm trú và thường trú, lâm vào tình trạng vô gia cư. Trong tình trạng như vậy, những thủ tục hành chính, giao dịch dân sự liên quan cư trú của họ không có thông tin. Luật Cư trú quy định với những người này, nơi cư trú của họ là nơi thực tế họ đang sống. Họ khai báo, cơ quan quản lý xác minh, cập nhật thông tin của họ vào Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, cư trú. Đó là chính sách tạo điều kiện cho người dân, đảm bảo quyền tự do cư trú của người dân.
Còn về thủ tục có 2 điều rất tiến bộ và tạo điều kiện cho người dân.
Luật mới thay đổi phương thức quản lý cư trú từ thủ công sang bằng công nghệ thông tin. Cụ thể là sử dụng hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và kết nối, chia sẻ thông tin. Bằng cơ sở dữ liệu hiện đại sẽ tạo điều kiện cho người dân làm thủ tục hành chính và giao dịch dân sự không phải đem theo giấy tờ như trước nữa, mà dùng mã định danh cá nhân để truy cập vào các cơ sở dữ liệu để sử dụng Đó là điều tốt thuận lợi cho người dân.
Phương thức quản lý cư trú mới bỏ một số thủ tục mang tính thủ công. Cụ thể, Luật mới đã bỏ sáu thủ tục hành chính và đơn giản hóa 12 thủ tục liên quan, tạo điều kiện tối đa cho người dân trong đăng ký cư trú.
- Việc bỏ hộ khẩu giấy chuyển sang quản lý cư trú bằng mã số định danh cá nhân được hiểu như thế nào, thưa ông? (Phạm Minh Cương, 26 tuổi, Quảng Ninh)
- Đại tá Đỗ Khắc Hưởng:
Trước đây, thông tin của công dân được lưu trữ trên sổ hộ khẩu giấy. Theo Luật mới sẽ bỏ các giấy tờ, bằng cách sử dụng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư.
Những thông tin cư trú của công dân được cập nhật, lưu trữ điện tử. Một trong những điều kiện để xác định là mã số định danh, như mật khẩu để tra cứu trên dữ liệu thông tin quốc gia.
- Để làm được một quyển sổ hộ khẩu giấy hiện nay cần rất nhiều điều kiện, thủ tục giấy tờ, đi lại nhiều lần, mất nhiều thời gian chờ đợi, vậy Luật Cư trú sẽ thay đổi các điều kiện, thủ tục nhập khẩu và thời gian hoàn thiện thủ tục này như thế nào? (Hương Lan, 53 tuổi, Vĩnh Phúc)
- Thiếu tướng Phạm Công Nguyên:
Trước đây rất khó khăn để người dân nhập khẩu, đặc biệt là vào các thành phố lớn. Sau ngày 1/7, khi Luật Cư trú sửa đổi có hiệu lực, chúng ta đã khai tử một di sản của một thời kỳ bao cấp, mở ra một kỷ nguyên mới trong phương thức quản lý xã hội.
Sổ hộ khẩu đã gắn bó với chúng ta rất lâu, trong một thời gian dài lịch sử. Đã đến lúc chúng ta cần phải thay đổi điều này, chuyển sang dùng nền tảng dữ liệu số để quản lý, phục vụ giao dịch người dân.
Tất nhiên, để việc giao dịch của người dân thuận lợi thì không chỉ một nền tảng này là thực hiện được, chúng ta cần sự đồng bộ của các cơ sở của các bộ ban ngành, vậy cần khoảng thời gian chuyển tiếp.
- Sau khi có thẻ căn cước công dân gắn chip, sổ hộ khẩu giấy sẽ có còn giá trị như thế nào? (Chi Linh, 25 tuổi)
- Đại tá Đỗ Khắc Hưởng:
Trong quá trình xây dựng Luật cư trú năm 2020, thời điểm có hiệu lực của luật cũng như thời điểm bỏ hộ khẩu giấy được bàn rất nhiều trên diễn đàn nghị trường. Ở đó, có người cho rằng khi luật mới có hiệu lực thì khai tử sổ hộ khẩu và giấy tờ tạm trú (từ 1/7). Nhưng cũng có người cho rằng làm vậy thì sự chuẩn bị chưa đảm bảo được.
Việc thay đổi phương thức quản lý công dân là vấn đề rất lớn, để đảm bảo cho thay đổi đó không chỉ Bộ Công an chuẩn bị điều kiện mà chính quyền địa phương cũng cần kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin cư trú của công dân trên dữ liệu Bộ Công an xây dựng.
Khi giải quyết thủ tục hành chính thì các cơ quan, địa phương phải dùng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Và để thận trọng, Luật Cư trú quy định có giai đoạn chuyển tiếp, đó là luật có hiệu lực rồi nhưng hộ khẩu giấy vẫn được sử dụng đến cuối năm 2022.
Với những sổ hộ khẩu, tạm trú đã cấp rồi, kể từ 1/7 khi công dân có đăng ký thay đổi thông tin thì cơ quan đăng ký sẽ thu hồi sổ này và cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu Quốc gia về cư trú. Vì nếu để công dân tiếp tục dùng hộ khẩu đó, có thể dẫn đến sai lệch về thủ tục hành chính.
Từ 1/7, cơ quan chức năng sẽ không cấp mới sổ hộ khẩu và tạm trú nữa.
"Người dân giải quyết thủ tục như thế nào khi không còn sổ hộ khẩu giấy?"
- Khi bị thu sổ hộ khẩu giấy, thì lúc họ đi xin việc, xin học cho con... phải làm thế nào để hoàn thiện hồ sơ? Nếu các cơ quan chức năng, doanh nghiệp vẫn yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu giấy thì sao? (Mai Bích Trâm, 29 tuổi, Hà Nội)
- Đại tá Đỗ Khắc Hưởng:
Có những địa phương có quy định điều kiện là gia đình có hộ khẩu tại đó mới được vào trường công lập. Ví dụ, nếu bạn đủ điều kiện nhập khẩu về Hà Nội thì cơ quan chức năng sẽ không cấp sổ hộ khẩu nữa mà cập nhật thông tin trên hệ thống và cấp giấy thông báo kết quả.
Người dân có thể yêu cầu nhà trường khai thác thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nếu nhà trường chưa đảm bảo việc khai thác thì người dân sẽ trình giấy được cấp ở trên.
- Khi thu hồi hộ khẩu rồi, cha mẹ cho tặng nhà đất cho con cái, anh em tặng nhà cho nhau thì làm thế nào để xác minh mối liên hệ? (Đức Tuấn, 58 tuổi, TP HCM)
- Đại tá Đỗ Khắc Hưởng:
Chúng ta chỉ thay đổi phương thức quản lý cư trú thôi. Nếu trước đây có sổ hộ khẩu thì trong sổ đó có quan hệ từng người với chủ hộ, từ đó xác định quan hệ với người khác trong sổ hộ khẩu. Còn bây giờ trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và cư trú vẫn có quan hệ thành viên với chủ hộ và các thành viên trong gia đình, thể hiện trong dữ liệu.
Trong cơ sở dữ liệu và trong sổ hộ khẩu, những người cùng hộ mới có thông tin của nhau. Còn nếu không cùng gia đình thì phải dùng các loại dữ liệu khác mới xác định được.
- Nếu dữ liệu số về hộ khẩu trên mạng gặp trục trặc, bị đánh cắp, hoặc bị phá hủy, trong khi hộ khẩu giấy bị thu hồi thì công dân khi đi giải quyết thủ tục hành chính phải làm sao? (Trường Giang, 51 tuổi, Nghệ An)
- Thiếu tướng Phạm Công Nguyên:
Đây là câu hỏi lớn, người dân có thể yên tâm, khi xây dựng chúng tôi đã tính toán tất cả các phương án để bảo mật an toàn cao để luôn sẵn sàng phục vụ người dân.
- Việc bỏ quản lý sổ hộ khẩu giấy theo ước tính giảm bớt được bao nhiêu thủ tục hành chính của lực lượng công an nói riêng và các cơ quan khác trên toàn quốc nói chung?
Bộ Công an kỳ vọng gì vào những thay đổi này? (Phạm Công Chính, 27 tuổi, Quảng Ngãi)
- Thiếu tướng Phạm Công Nguyên:
Bỏ sổ hộ khẩu giấy cắt giảm đi rất nhiều chi phí cho người dân, ví dụ người dân khi làm thủ tục hành chính, giao dịch phải photo, công chứng xuất trình nhiều giấy tờ liên quan. Khi chuyển sang sử dụng dữ liệu thẻ căn cước công dân, mã số định danh thì những cái đó không còn cần thiết nữa.
Việc đi lại của người dân sẽ được giảm đi rất nhiều khâu trung gian, tiết kiệm thời gian, chi phí, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Mức độ giảm chi phí ra sao tùy thuộc ngành nghề, lĩnh vực. Theo tính toán sơ bộ của chúng tôi, việc sử dụng cơ sở dữ liệu dân cư sẽ đem lại lợi ích về kinh tế gần 5.000 tỷ đồng.
Lợi ích của Luật cư trú sửa đổi đem lại trước hết đảm bảo quyền bình đẳng của người dân các địa phương trong đăng ký cư trú. Luật cũng cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi để người dân đăng ký cư trú ở nơi họ sinh sống hợp pháp.
Còn với hai dự án về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước công dân, khi kết nối vào cổng dịch vụ công quốc gia tạo thuận lợi cho người dân. Chúng ta chỉ cần mã định danh cá nhân, căn cước thì giải quyết được rất nhiều dịch vụ có liên quan về cư trú, cá nhân của công dân.
Công dân hoàn toàn yên tâm về đảm bảo chính xác, đồng nhất, bảo mật. Những lợi ích của Luật Cư trú sửa đổi, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước mang lại rất lớn. Nhưng cần có thời gian để bộ ngành, địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ. Lúc đó chúng ta có nền tảng vững chắc thay đổi Chính phủ điện tử, Chính phủ số, nền kinh tế số.
- Tôi chuyển khẩu từ Thanh Hóa ra Hà Nội sau khi mua nhà riêng ở đây. Khi làm thủ tục đăng ký thường trú ở HN theo diện hợp đồng làm việc vô thời hạn, tôi được yêu cầu một số giấy tờ mà công an nói là theo Luật cư trú. Cụ thể như sau:
1. Cần lấy hai loại giấy là giấy giới thiệu của cơ quan đang làm việc và giấy xác nhận làm việc. Hai loại giấy này đều phải có chữ ký của lãnh đạo công ty. Nếu đã xác nhận làm việc, sao lại phải có giấy giới thiệu. Việc chuyển hộ khẩu chỗ ở là việc riêng của tôi, vì sao công ty tôi lại phải đi giới thiệu để tôi làm việc riêng?
2. Sau khi tôi nộp giấy tờ lên quận, quận chuyển hồ sơ xuống phường thì công an khu vực lại yêu cầu tới công ty để làm biên bản xác nhận những thứ giấy tờ tôi nộp là đúng. Tại sao tôi đã có xác nhận và giới thiệu lãnh đạo ký, đóng dấu công ty rồi, lại phải thêm một khâu làm biên bản xác nhận lại để làm gì? Nơi tôi làm việc là tập đoàn lớn, vì thế các sếp quản lý rất bận rộn, không có thời gian để giải quyết những việc như thế này, khiến việc làm hộ khẩu của tôi bị đình trệ nhiều ngày. (Phạm Đức Huy, 30 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội)
- Đại tá Đỗ Khắc Hưởng:
Theo Luật cư trú 2020 khi bạn có nhà ở thuộc sở hữu của mình, mình đứng tên nhà đó, chỗ ở của mình là hợp pháp thì bạn đủ điều kiện để đăng ký thường trú vào nơi ở đó. Bạn căn cứ vào giấy tờ trong luật quy định là có đủ điều kiện. Không cần phải làm hai giấy tờ mà bạn đã nêu vì bây giờ đã thực hiện theo văn bản mới.
- Thiếu tướng Phạm Công Nguyên:
Chúng tôi chưa bao giờ có quy định như trên, thực tiễn cũng rất hiếm người phản ánh như trên. Tôi đề nghị độc giả hãy xem rất kỹ các quy định của pháp luật về đăng ký cư trú. Không phải người ta yêu cầu cái gì mình cũng đi làm cái đó, hãy xem luật quy định thế nào thì sẽ thực hiện theo các bước đó.
Khi mà bạn chuyển khẩu ra theo Luật cư trú mới thì sẽ rất đơn giản. Không có bất kỳ khó khăn phiền hà nào. Cho nên cơ quan chức năng đòi hỏi phải có hợp đồng lao động, giấy giới thiệu của công ty. Tôi cho rằng như vậy là không đúng.
- Theo quy định của Luật mới, khi họ nhập hộ khẩu ở nơi khác thì có cần phải về địa phương làm thủ tục cắt khẩu hay không, các phương thức có gì thay đổi? (Dương Công Thọ, 53 tuổi, Vĩnh Phúc)
- Đại tá Đỗ Khắc Hưởng:
Trước đây chúng ta quản lý bằng thủ công thì người dân chuyển hộ khẩu từ nơi này sang nơi khác thì phải về nơi thường trú làm giấy cắt khẩu và đến nơi mới làm thủ tục nhập khẩu. Nhưng từ 1/7 việc quản lý cư trú của người dân được thực hiện trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vận hành toàn quốc. Cơ quan quản lý có mã định danh cá nhân của công dân thì xác định được thông tin của người đó. Người dân khi chuyển khẩu thì không phải về nơi đăng ký thường trú nữa mà đến nơi đăng ký thường trú mới làm thủ tục là được.
- Nhiều người ở một nơi, hộ khẩu một nơi vậy vì sao căn cước công dân lại không cập nhật theo nơi ở thực tế mà lại lấy theo địa chỉ ghi trong hộ khẩu? (Hoàng Hường, 40 tuổi)
- Đại tá Đỗ Khắc Hưởng:
Căn cước công dân có ghi nơi thường trú, đó là thông tin chính thức. Còn nơi ở thực tế của công dân ở đâu thì công dân chưa làm thủ tục, nên việc xác định cái đó thì chưa chính xác, cụ thể. Trong trường hợp này thì phải ghi các thông tin đã có trong căn cước công dân rồi.
Việc chỉnh sửa thông tin cũng được thực hiện theo quy trình.
- Vậy quy định về sổ tạm trú từ 1/7 ra sao, thưa ông? Ngoài bỏ quản lý sổ hộ khẩu thì sổ tạm trú có còn giá trị từ 1/7 không, các thủ tục làm sổ tạm trú, khai báo tạm trú, tạm vắng diễn ra như thế nào? (Trần Thiên Thanh, 44 tuổi, Bắc Ninh)
- Đại tá Đỗ Khắc Hưởng:
Cũng như sổ hộ khẩu, từ 1/7 sổ tạm trú cũng sẽ không được cấp mới. Những sổ tạm trú đã cấp vẫn được sử dụng trong thời gian chuyển tiếp giống như với sổ hộ khẩu. Thủ tục đăng ký tạm trú, tạm vắng đã được quy định cụ thể tại luật.
- Việc nhập khẩu, tách khẩu từ 1/7 được thực hiện ở đâu, công an huyện, quận hay chỉ cần ra công an xã, phường là hoàn thiện thủ tục? (Kiều Văn Dương, 33 tuổi, Hà Nam)
- Đại tá Đỗ Khắc Hưởng:
Theo Luật mới, việc tách, nhập khẩu do công an xã, phường, thị trấn thực hiện.
Đăng ký cư trú là thẩm quyền công an xã, phường, thị trấn. Còn việc cấp căn cước công dân phải đến công an cấp huyện để làm. Cơ quan công an có những điểm lưu động để cấp căn cước công dân làm. Như vậy cấp căn cước công dân là công an cấp huyện.
- Từ 1/7, những giao dịch dân sự có cần có hộ khẩu giấy nữa hay không? Những giấy tờ như sổ đỏ đã ghi địa chỉ hộ khẩu thường trú mà khác với địa chỉ thường trú trong dữ liệu dân cư quốc gia có cần phải đi đính chính sổ đỏ không? (nguyễn xuân tung, 38 tuổi, Bắc Từ Liêm Hà nội)
- Thiếu tướng Phạm Công Nguyên:
Từ 1/7 Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẵn sàng kết nối. Bây giờ còn phụ thuộc vào các bộ ban ngành khác. Các đơn vị khác có cơ sở dữ liệu của mình và kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết công việc cho người dân thì không cần sổ hộ khẩu nữa.
Nhưng một số đơn vị chưa kết nối được nên họ vẫn yêu cầu sổ hộ khẩu để thực hiện các giao dịch. Đây là lý do để chúng ta có thời gian chuyển tiếp từ 1/7 đến cuối năm 2022. Sau này bỏ hộ khẩu thì tất cả các dịch vụ cần đến hộ khẩu sẽ thay đổi hoàn toàn, bởi chúng ta chấm dứt hộ khẩu giấy vào cuối năm 2022.
- Tôi có hộ khẩu ở TP HCM. Tuy nhiên, hiện tôi sống và làm việc ở nước ngoài ( Canada) đã hơn 10 năm và tôi vẫn còn có tên trong hộ khẩu. Vậy tôi có được quyền làm căn cước công dân không, làm ở đâu và cần giấy tờ gì?
(Trần Văn Ngàn, 50 tuổi, VANCOUVER)
- Thiếu tướng Phạm Công Nguyên:
Vấn đề này tôi trả lời như sau, căn cước công dân cấp cho công dân Việt Nam. Nếu bạn sống ở Canada nhưng bạn vẫn là công dân Việt Nam thì được cấp. Còn nếu mà bạn đã nhập quốc tịch Canada mà không giữ quốc tịch Việt Nam nữa thì không được cấp.
- Sổ hộ khẩu điện tử sẽ có những thông tin gì, có vân tay, nhóm máu, khuôn mặt không? (Trần Văn Thông, 33 tuổi, Hà Tĩnh)
- Thiếu tướng Phạm Công Nguyên:
Chúng ta làm căn cước công dân sẽ lăn tay, chụp ảnh, khai nhóm máu. Tất cả dữ liệu liên quan sẽ nằm ở Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
- Trường hợp cảnh sát quản lý cư trú cố tình gây khó dễ, không hoàn thiện hồ sơ, kéo dài thời gian chuyển đổi phương thức quản lý cư trú sang điện tử hoặc không cập nhật, bổ sung dữ liệu cho công dân bị xử lý như thế nào, người dân có thể báo cáo, phản ánh đến địa chỉ nào? (Trần Thị Trinh, 33 tuổi, Thanh Hóa)
- Đại tá Đỗ Khắc Hưởng:
Luật cư trú 2020 có hiệu lực từ 1/7, trường hợp của bạn làm trước, thì tôi không bàn nữa.
Trong luật mới quy định rõ nghiêm cấm hành vi trì hoãn không tiếp nhập công dân, gây khó khăn. Bất cứ người nào liên quan, kể cả người cán bộ trong lực lượng công an có hành vi như vậy, người dân có thể phản ánh đến cơ quan công an, chúng tôi sẽ xác minh, xử lý theo quy định.
- Tôi đã bán nhà từ lâu, giờ đang thuê nhà ở phường khác sinh sống. Tôi vẫn đang sử dụng hổ khẩu mẫu cũ (màu xanh); tên đường cũ Hàm Tử nay đã đổi tên thành Võ Văn Kiệt nhưng giấy tờ hiện tại của tôi như chứng minh nhân dân, hộ chiếu, bằng lái xe sử dụng vẫn là tên đường cũ. Tình trạng như vậy tôi có thể làm căn cước công dân gắn chíp được không? (Trần cẩm thành, 32 tuổi, 388/132 hàm tử p5q5)
- Đại tá Đỗ Khắc Hưởng:
Việc công dân làm căn cước căn cứ vào nơi trong đó có trường thông tin về thường trú. Theo Luật Cư trú từ trước đến nay, nếu thay đổi địa chỉ do cơ quan nhà nước thay đổi thì cơ quan nhà nước sẽ chủ động thay đổi, điền thông tin công dân trước đây bằng thông tin mới hoặc công dân cung cấp thông tin mới để điền thông tin.
- Căn nhà nơi tôi có hộ khẩu đã bán, nơi ở mới không có giấy tờ gì và là đất lấn chiếm, chủ nhà mới mà tôi đã bán không đồng ý cho để hộ khẩu ở đó. Vậy tôi có bị xóa hộ khẩu theo Luật Cư trú mới hay không? Nếu bị xóa thì tôi làm thế nào để có hộ khẩu? (Nguyễn Lam, 42 tuổi, Hà Nội)
- Đại tá Đỗ Khắc Hưởng:
Đây cũng là điều rất băn khoăn của nhiều người dân. Nếu chủ mới mua nhà của bạn mà người ta không cho bạn giữ sổ hộ khẩu mới quá 12 tháng thì sẽ bị xóa.
Trong trường hợp này, bạn đủ điều kiện đăng ký tạm trú thì quản lý theo tạm trú. Còn nếu không đủ điều kiện đăng ký tạm trú hay thường trú thì vẫn quản lý về cư trú, theo xác định nơi cư trú của bạn.
- Làm sao tôi có thể kiểm tra biết được nhân khẩu thực tế trong hộ của mình, tránh tình trạng sai sót hoặc sử dụng sổ hộ khẩu bất hợp pháp trong các thủ tục tín dụng? (Nguyễn Lê Phương Anh, 33 tuổi, Bình Hưng Hoà, Bình Tân)
- Thiếu tướng Phạm Công Nguyên:
Trước đây chúng ta có thói quen mở sổ hộ khẩu ra xem có bao nhêu người trong sổ và ai là chủ hộ.
Tới đây không có sổ hộ khẩu giấy, nhưng trên Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư chúng tôi vẫn lưu trữ tất cả thông tin về hộ khẩu người dân. Đây là dữ liệu điện tử nên không ai có thể mang ra cầm cố, tiến hành các giao dịch phi pháp. Nên bạn rất yên tâm là không phải kiểm soát xem có bao nhiêu thành viên trong gia đình mình. Chúng tôi chỉ thay đổi phương pháp quản lý trước là hộ khẩu giấy, bây giờ là cơ sở dữ liệu điện tử.
- Khi sổ hộ khẩu điện tử của mỗi hộ gia đình hoàn thiện, nếu muốn bổ sung, thay đổi thông tin, người dân phải đến đâu, thủ tục như thế nào, có được thực hiện ngay trong ngày không hay phải chờ đợi? (Lê Đức Mạnh, 37 tuổi, Đà Nẵng)
- Thiếu tướng Phạm Công Nguyên:
Khi có thay đổi thông tin, người dân sẽ đến cơ quan quản lý cư trú, thực hiện các bước thay đổi. Cơ quan quản lý sẽ nhập dữ liệu và thay đổi trên hệ thống.
- Trường hợp người dân đã cắt khẩu ở địa phương nhưng do điều kiện cá nhân, quá thời hạn không làm thủ tục nhập khẩu ở nơi mới và lại bị mất giấy cắt khẩu thì phải giải quyết như thế nào, mã số định danh có giải quyết được việc này không? (Trần Đức Trọng, 28 tuổi, Quảng Nam)
- Đại tá Đỗ Khắc Hưởng:
Chuyển khẩu từ nơi này sang nơi khác, từ 1/7 thì việc đăng ký cũng không có vấn đề gì, việc chuyển khẩu không cần giấy cắt khẩu nữa.
"Căn cước gắn chip không có chức năng định vị"
- Mục tiêu của Bộ Công an là hoàn thành cấp 50 triệu thẻ Căn cước công dân mới trước ngày 1/7/2021. Vậy đến thời điểm này số lượng đã đạt được là bao nhiêu? Dự kiến bao giờ thì 100% công dân Việt Nam thuộc diện cấp Căn cước công dân sẽ được cấp mới? (Công Trình, 37 tuổi, Hòa Bình)
- Thiếu tướng Phạm Công Nguyên:
Mục tiêu ban đầu đến ngày 1/7/2021 sẽ cấp 50 triệu thẻ căn cước công dân nhưng do dịch bệnh ảnh hưởng đến việc sản xuất chíp trên thế giới. Số lượng nhập về không đủ để làm thẻ kịp tiến độ. Đến thời điểm này, Bộ Công an đã in trả 20 triệu thẻ căn cước, phấn đấu đến tháng 11 sẽ trả toàn bộ thẻ.
- Tôi đã đi làm căn cước công dân gắn chip khoảng 3 tháng trước nhưng đến nay chưa nhận được thẻ. Xin cho biết việc sản xuất, cấp phát Căn cước công dân gắn chíp điện tử đang thực hiện ra sao? (Thanh Nga, 45 tuổi, Hà Nội)
- Thiếu tướng Phạm Công Nguyên:
Khi người dân đi thu nhận dữ liệu để làm căn cước công dân thì dữ liệu được thu nhận, xác minh, đối sánh để làm sạch và làm chính xác dữ liệu. Sau đó chúng tôi nhập dữ liệu để in, sản xuất. Có nhiều công dân phản ánh làm mấy tháng mà chưa nhận được thì do nguyên nhân khách quan là chíp chúng ta phải nhập từ nước ngoài về. Do dịch Covid-19 ảnh hưởng tới sản lượng mà sản xuất chíp khiến chúng ta nhập về không đủ. Tuy nhiên việc này không ảnh hưởng nhiều đến giao dịch, công việc của người dân vì người dân vẫn có thể sử dụng chứng minh nhân dân cũ.
- Tôi băn khoăn sử dụng Căn cước công dân gắn chip điện tử có thể bị kiểm soát hoạt động cá nhân không? (Minh Tâm, 49 tuổi, Bình Dương)
- Thiếu tướng Phạm Công Nguyên:
Không hề có chuyện đó. Chúng ta nghe đến chíp điện tử sẽ hoài nghi. Nhưng chíp này là thiết bị lưu trữ dữ liệu sinh trắc học và dữ liệu công dân trong hệ thống để truy cập. Thẻ công dân gắn chíp cũng giống như chìa khóa. Còn chíp này không có chức năng định vị hay theo dõi quá trình di chuyển của người dân. Pháp luật Việt Nam không cho phép làm điều đó. Người dân hoàn toàn yên tâm khi sử dụng căn cước công dân gắn chíp.
- Khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đi vào hoạt động, người dân được sử dụng Căn cước công dân thay thế cho các loại giấy tờ khác như Bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe... hay không? (Đức Hiếu, 54 tuổi, Hà Tĩnh)
- Đại tá Đỗ Khắc Hưởng:
Bộ Công an cũng mong muốn như vậy nhưng để chuyển đổi phải có sự nghiên cứu đánh giá, phối hợp giữa các cơ quan trong thời gian tới.
- Nếu có người khai thác, lợi dụng thông tin cá nhân của người dân trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, để sử dụng vào những việc không tốt thì Bộ Công an có biện pháp gì để ngăn chặn? (Nguyễn Việt Anh, 30 tuổi, Hà Nội)
- Đại tá Đỗ Khắc Hưởng:
Không thể có chuyện người khác có thể khai thác mà chỉ có người có thẩm quyền, điều này pháp luật đã quy định cụ thể nên người dân có thể yên tâm. Một là đảm bảo an ninh; thứ hai đảm bảo chính xác; thứ ba là luôn luôn sẵn sàng phục vụ người dân khi người dân cần sử dụng thông tin của mình.
- Các dữ liệu về cư trú có được cập nhật thường xuyên không, trong bao nhiêu lâu cập nhật một lần, người dân có tự động truy cập để bổ sung thông tin của mình trong cơ sở dữ liệu không? (Trần Tuấn Anh, 63 tuổi, Hà Nội)
- Thiếu tướng Phạm Công Nguyên:
Nguyên tắc khi thực hiện hai dự án này là đảm bảo dữ liệu công dân luôn đúng, đủ, sạch, sống, nghĩa là luôn được cập nhật. Khi người dân thay đổi dữ liệu liên quan cư trú, cá nhân thì chúng tôi sẽ cập nhật ngay vào hệ thống. Người dân không thể tự truy cập vào hệ thống để sửa thông tin của mình mà do cơ quan công an thực hiện theo thủ tục.
- Ai được phép tra cứu dữ liệu cư trú trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, có mất phí không? (Nguyễn Thu Hương, 27 tuổi, Hà Nội)
- Đại tá Đỗ Khắc Hưởng:
Theo quy định hiện nay tất cả cơ quan, tổ chức, cá nhân đều có quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nhưng để đảm bảo an toàn dữ liệu và bí mật thông tin của người dân trên cơ sở dữ liệu thì pháp luật quy định cụ thể ai, cơ quan nào được truy cập, với phạm vi, điều kiện thế nào. Vấn đề này được quy định cụ thể tại Nghị định 137/2015 và Nghị định sửa đổi năm 2020 đã quy định từng nhóm cụ thể được khai thác thông tin trên cơ sở dữ liệu này và phạm vi thế nào.
Còn về phí thì tùy từng chủ thể và mục đích, Luật Phí và lệ phí và thông tư của Bộ Tài chính đã quy định cụ thể.
- Theo hướng dẫn của Chính phủ thì công dân có thể nhắn tin để tra cứu thông tin của mình trên Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. Việc nhắn tin để tra cứu dữ liệu cá nhân trong cơ sở dữ liệu cư trú sẽ được thực hiện như thế nào, có phải cứ nhắn tin là công an sẽ trả lời qua tin nhắn, hay phải đến trực tiếp trụ sở để nhận phản hồi? (Dương Công Minh, 47 tuổi, Hà Nội)
- Thiếu tướng Phạm Công Nguyên:
Đây là một trong những tiện ích của quản trị dữ liệu số. Đây là quyền của người dân để nhắn tin đến tổng đài qua đó yêu cầu xác nhận thông tin cá nhân của mình. Khi có đề nghị như vậy thì chúng tôi sẽ xử lý để cung cấp thông tin cho người dân.
- Những giấy tờ như sổ đỏ đã ghi địa chỉ thường trú mà khác với địa chỉ trong cơ sở dữ liệu quốc gia thì tôi có cần phải chỉnh sửa? (Độc giả, 34 tuổi)
- Đại tá Đỗ Khắc Hưởng:
Những giấy tờ đặc biệt là quyền sở hữu tài sản, khi bạn đã thay đổi nơi cư trú rồi thì bạn có thể đề nghị cơ quan công an thay đổi thông tin để khi cần thì có thể chứng minh tính chính danh của mình.
- Mua chung cư chưa có sổ đỏ có đủ điều kiện làm hộ khẩu không? (Thu Trà, 29 tuổi)
- Đại tá Đỗ Khắc Hưởng:
Trong luật quy định rõ bạn chỉ cần giấy bàn giao nhà giữa chủ đầu tư và bạn, hợp đồng mua bán là sẽ được nhập khẩu.