Ngày 24/8, thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết kể từ khi thực hiện Nghị định 01 năm 2018, đến nay nhiều đơn vị của Bộ đã giảm từ 2 đến 5 phòng.
Điển hình Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội có số phòng tinh giản nhiều nhất, từ 11 xuống còn 6. Trong đó Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư được hợp nhất từ 5 phòng khác. Trung tâm này do một Cục phó phụ trách, 3 phó phòng được điều chuyển từ các phòng ban khác tới.
Tương tự, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng và buôn lậu (C03) cũng giảm 5 phòng. Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy nhận quyết định tinh giản cấp phòng từ cuối tháng 7, từ 10 xuống còn 8 phòng. Các phòng tham mưu, chính trị, hậu cần sẽ được tập hợp về một đầu mối...
Việc sáp nhập, giảm đầu mối cấp phòng này thực hiện theo chủ trương của Chính phủ và Bộ Công an. Tuy nhiên, mục tiêu quan trọng theo ông Xô là để "một phòng có thể làm và chịu trách nhiệm với nhiều nhiệm vụ". Những cán bộ ở phòng bị cắt giảm sẽ được bố trí về các phòng khác hoặc điều động về tỉnh. Nhiều trưởng phòng nghỉ sớm hơn thời hạn hoặc làm cấp phó ở các phòng khác.
Để không tăng biên chế tại ở cấp bộ, các cục nghiệp vụ không được tiếp nhận học viên. "Chỉ những cử nhân thật sự xuất sắc, có giải thưởng và thành tích cấp quốc tế mới được tuyển chọn để phục vụ ở cấp bộ", thiếu tướng Xô cho hay.
Từ năm 2018 đến nay, Bộ Công an đã cắt giảm 6 Tổng cục, 55 Cục, 20 Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, 7 trường, 2.300 cấp đội. Ngoài ra, gần 30.000 công an chính quy được điều động từ tỉnh, huyện về các xã.
Lãnh đạo Bộ Công an cho rằng việc điều động công an chính quy về xã không làm tăng biên chế mà giúp cấp cơ sở đạt hiệu quả tốt hơn trong việc giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống tội phạm và đặc biệt sẽ cắt giảm được khoảng 1.000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.
Dự kiến việc tinh giản các phòng thuộc cục trực thuộc Bộ Công an và ở địa phương tiếp tục thực hiện cho đến hết năm 2021.