Ngày 2/12, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị cho ý kiến về Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM đến năm 2020; phương hướng, nhiệm vụ phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bộ Chính trị đánh giá, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 16, TP HCM đạt nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Quy mô kinh tế thành phố năm 2020 gấp 2,7 lần, GRDP bình quân đầu người gấp đôi năm 2010.
Thành phố tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện chất lượng trên nền tảng ứng dụng khoa học và công nghệ; chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, tập trung vào các ngành công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao; thu ngân sách Nhà nước hàng năm vượt kế hoạch.
Tuy nhiên, Bộ Chính trị cho rằng TP HCM chưa khai thác tốt tiềm năng, lợi thế phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại so với giai đoạn trước, năng lực cạnh tranh quốc tế còn thấp, môi trường đầu tư chậm cải thiện, liên kết vùng chưa đạt kết quả thực chất...
Vì vậy, Bộ Chính trị thống nhất ban hành Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM với mục tiêu đến năm 2030 là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số; là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ, văn hóa của khu vực Đông Nam Á, hội nhập quốc tế sâu rộng.
Định hướng đến năm 2045, TP HCM trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ châu Á; là điểm đến hấp dẫn toàn cầu; kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc, có chất lượng cuộc sống cao; là đô thị phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới.
Bộ Chính trị yêu cầu TP HCM đổi mới mạnh mẽ tư duy xây dựng và phát triển trong giai đoạn mới. Thành phố cần phát triển kinh tế nhanh, bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc tế; tăng cường liên kết phát triển vùng; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, đi trước một bước.
Bên cạnh đó, TP HCM phải nâng cao chất lượng quy hoạch, thực hiện nghiêm kỷ cương và quản lý thực hiện; phát triển đô thị bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu; phát triển văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Bộ Chính trị cũng thống nhất hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về thành phố, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và thí điểm thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Từ tháng 1/2018, TP HCM thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội. Thành phố được trao một số quyền ở 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực quản lý, gồm: Đất đai; đầu tư; tài chính - ngân sách nhà nước; cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức. Thời gian thí điểm 5 năm.
Tuy nhiên, trong báo cáo gửi Quốc hội ngày 4/10, Chính phủ kiến nghị cho phép TP HCM tiếp tục thí điểm một số cơ chế đặc thù đến hết năm 2023, thay vì cuối năm 2022. Nguyên nhân là TP HCM có 5 năm thí điểm thì năm đầu tiên dành cho xây dựng kế hoạch, công tác chuẩn bị triển khai. Sau đó, thành phố lại bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 trong hai năm 2020-2021 nên không có nhiều thời gian để phát huy toàn diện các cơ chế, chính sách của Nghị quyết này.
Nghị quyết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV hồi giữa tháng 11 đã giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM, trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54 trong thời gian sớm nhất.
Riêng về chính sách thu nhập tăng thêm, TP HCM được tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 54 nhưng cần tính toán, cân đối để không vượt mức tối đa theo quy định của Nghị quyết số 27 Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.