Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu chính sách hỗ trợ phải được xây dựng trên cơ sở bám sát tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại kết luận số 07 ngày 11/6 về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với đó, cơ quan cần rút kinh nghiệm từ việc thực hiện nghị quyết số 42 của Chính phủ và các biện pháp hỗ trợ của các nước để tập trung rà soát, xác định đúng nhóm cần hỗ trợ, xây dựng định mức hỗ trợ phù hợp, bảo đảm chặt chẽ, công bằng, minh bạch, hiệu quả, thiết thực.
Chính phủ sớm ban hành nghị quyết về việc này, bảo đảm ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, tránh thủ tục phiền hà.
"Đối với người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đợt dịch lần thứ 4 này, chúng ta có chủ trương hỗ trợ với nhiều giải pháp để bảo đảm sản xuất kinh doanh, tinh thần vừa phải chống dịch thành công, vừa phát triển kinh tế xã hội của đất nước", Tổng bí thư nói.
Tháng 4/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết 42 hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn vì Covid-19, thường được gọi là gói 62.000 tỷ đồng.
Đến tháng 8/2020, Bộ Lao động Thương binh Xã hội từng đề xuất thêm một gói 18.000 tỷ tập trung vào lao động mất việc đang thuê nhà, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, song chưa có kết quả.
Gần đây, gói hỗ trợ lần hai được dự kiến tổng kinh phí trên 27.580 tỷ đồng, tuy nhiên, đang trong quá trình hoàn thiện nên thông tin chi tiết chưa được công bố.
Theo dự thảo ban đầu, các nhóm chính sách sẽ hướng vào giảm mức đóng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng để doanh nghiệp có thêm kinh phí phòng chống dịch bệnh; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất; đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động; hỗ trợ lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương; lao động bị chấm dứt hợp đồng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; hộ kinh doanh cá thể và trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch...