Chiều 10/9, Văn phòng Trung ương Đảng phát thông cáo cho biết trong hai ngày 9-10/9, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho ý kiến về một số đề án.
Sau khi nghe tờ trình, Bộ Chính trị đánh giá đề án Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã bám sát và thực hiện đúng Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Hiến pháp năm 2013, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và tư tưởng chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Đề án đã bám sát tình hình thực tiễn đất nước và thế giới; kế thừa, phát huy những thành tựu đạt được trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam sau hơn 35 năm đổi mới, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế. Từ đó, những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được xác định phù hợp với thực tiễn, định hướng quan điểm, tư tưởng chỉ đạo trong giai đoạn mới.
Bộ Chính trị cho rằng nội dung trong đề án là những vấn đề lớn, khó, phức tạp, do đó những gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm, chứng minh là đúng, đa số đồng thuận thì đưa vào. Bộ Chính trị thống nhất thông qua đề án để trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị Trung ương lần thứ sáu xem xét, ban hành nghị quyết.
Về đề án Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị khẳng định, công nghiệp hóa, hiện đại hóa là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Trong hơn 35 năm đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức cao, chất lượng tăng trưởng cải thiện, quy mô nền kinh tế tăng nhanh, cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực, đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu chiến lược đề ra, tốc độ có xu hướng giảm; nguy cơ tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình là hiện hữu nếu không quyết liệt đổi mới tư duy và hành động trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Bộ Chính trị thống nhất thông qua đề án để trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị Trung ương lần thứ sáu, xem xét ban hành nghị quyết. Mục tiêu là đến năm 2030 Việt Nam hoàn thành công nghiệp hóa và kết thúc giai đoạn đầu của quá trình hiện đại hóa; đến năm 2045 cơ bản hoàn thành quá trình hiện đại hóa, phấn đấu trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Việt Nam sẽ là một trong những trung tâm lớn của khu vực châu Á về sản xuất thông minh và dịch vụ thông minh; xây dựng được nền nông nghiệp hiện đại, phát triển thuộc nhóm hàng đầu thế giới.
Về đề án vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001-2010 và Kết luận số 12 ngày 24/10/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10 (phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001-2010), Bộ Chính trị đánh giá vùng Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Địa bàn có tiềm năng và lợi thế để phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp sản xuất hàng hóa lớn kết hợp với công nghiệp chế biến, phát triển công nghiệp năng lượng và công nghiệp khai khoáng; nơi có đông đồng bào dân tộc cùng sinh sống với bản sắc văn hóa riêng.
Tuy nhiên, kinh tế - xã hội vùng vẫn còn nhiều hạn chế như quy mô kinh tế nhỏ, trình độ phát triển thấp, một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số đời sống còn khó khăn. Các thế lực lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, đất đai để kích động, chống phá nên khu vực này cần được tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển.
Bộ Chính trị nhất trí với mục tiêu vùng Tây Nguyên đến năm 2030 phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, hình thành một số sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn có thương hiệu quốc tế gắn với trung tâm chế biến. Một số công trình kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, hạ tầng số cơ bản được hình thành; đẩy mạnh giải quyết vấn đề đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; đảm bảo an ninh khu vực biên giới, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội...
Về Đề án Vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bộ Chính trị khẳng định, Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam luôn là vùng kinh tế động lực, năng động, đi đầu trong đổi mới và phát triển, là đầu tàu, đóng góp lớn vào tăng trưởng, kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm.
Dù vậy, bên cạnh những kết quả, nhiều chỉ tiêu đặt ra chưa đạt được như tốc độ tăng trưởng kinh tế, tỷ trọng đóng góp vào GDP của cả nước, tốc độ tăng năng suất lao động; công nghiệp phát triển chưa bền vững; mạng lưới kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông, y tế, giáo dục quá tải, thiếu đồng bộ...
Để đưa Đông Nam Bộ là động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước và thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã được Đại hội XIII thông qua, Bộ Chính trị nhất trí với mục tiêu đến năm 2030 xây dựng Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng giao cơ quan chức năng tiếp thu ý kiến của Bộ Chính trị và cơ quan liên quan để hoàn thiện các đề án, báo cáo Bộ Chính trị trình Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII; tiếp thu hoàn thiện, ban hành các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng Tây Nguyên để các ngành, địa phương triển khai thực hiện.