Ngày 7/8, nhiều hộ dân ở xã Hiệp Thanh đến hội trường thôn phản ánh tình trạng bò sữa bị chết với các cơ quan chức năng địa phương. Bà Lê Thị Ánh Hồng, thôn Bồng Lai cho biết nuôi 26 con bò sữa. Sau khi tiêm vaccine phòng bệnh da nổi cục vào cuối tháng 7, số bò đều bỏ ăn, đi ngoài ra máu.
"Tôi dùng mọi cách cứu chữa nhưng hai con đã chết", bà Hồng nói, cho biết hai con bê không tiêm vaccine do chưa đủ tuổi không gặp vấn đề gì.
Cách đó không xa, ông Nguyễn Tấn Tuân có hàng chục bò sữa rơi vào tình trạng tương tự. Những con bò sữa của ông được tiêm vaccine trong tháng 7, sau đó chừng 7-10 ngày phát bệnh. "Con nào tiêm thì mới bị như vậy, số không tiêm vaccine vẫn ăn uống bình thường", ông Tuân nói.
Theo ông Tuân, đến nay cơ quan chức năng cung cấp thuốc sát trùng, song chưa chưa hướng dẫn phác đồ điều trị, khiến ông khá lo lắng.
Viêm da nổi cục trên trâu bò là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra, chủ yếu truyền qua vết côn trùng đốt, không lây nhiễm trên người. Theo thống kê, đến nay hai huyện Đức Trọng và Đơn Dương có 68 bò sữa bị chết, mỗi con trị giá khoảng 50 triệu đồng.
Ông Phạm Phi Long, Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi, thú y và thủy sản Lâm Đồng, cho biết nguồn vaccine được lấy từ trung tâm nông nghiệp các huyện, tiêm miễn phí. Sau khi ghi nhận trường hợp bò sữa tử vong, chi cục đã thông báo dừng tiêm vaccine để điều tra.
Theo ông Long, bệnh tiêu chảy ở trâu, bò xảy ra ở các địa phương này 1-2 tháng qua, trùng với đợt tiêm vaccine phòng viêm da nổi cục dẫn đến tình trạng vật nuôi yếu hơn.
"Hiện chưa thể khẳng định việc tiêm vaccine gây chết bò", ông Long nói và cho biết ngày 8/8, Cục Thú y và Chi cục Thú y vùng 5 đến Lâm Đồng lấy mẫu tìm nguyên nhân chính gây ra tình trạng này.
Khánh Hương - Trường Hà