Chia sẻ bài viết tại đây
Anh Nguyễn Quang Trung (37 tuổi, sống tại Minh Khai, Hà Nội) là một trường hợp đặc biệt khi cả gia đình gồm mẹ ruột đã 70 tuổi, vợ và hai con gái (11 tuổi và 4 tuổi) cùng dương tính với SARS-CoV-2, chỉ mình anh không nhiễm bệnh.
Anh kể chiều tối ngày 1/12, vợ anh đi làm về kêu mệt, đau đầu, người cảm giác lạnh hơn bình thường nên lên phòng nằm nghỉ nhưng sau đó vẫn sinh hoạt với gia đình. Đến khoảng 20h, người vợ bắt đầu sốt, cơ thể mỏi, đặc biệt là phần lưng. Đến giữa đêm do sốt cao 38,5 độ và người rất mỏi nên chị đã uống 2 viên Panadol.
Đến sáng 2/12, thân nhiệt của chị giảm xấp xỉ 38 độ, người đỡ mệt hơn nhưng bị thêm triệu chứng ngạt mũi. Chị xin nghỉ làm ở nhà, nghi ngờ mình bị nhiễm Covid-19 do đọc có các biểu hiện giống (nhức đầu, ớn lạnh, sốt, khó thở) nên chị tự test nhanh thì cho kết quả dương tính. Thời điểm đó, Hà Nội chưa cho tự điều trị tại nhà nên khi xét nghiệm kết quả PCR, cả nhà đều âm tính, trừ vợ anh Trung, chị buộc phải đi cách ly tập trung.
Trưa 5/12, con gái lớn của anh Trung có biểu hiện ho nhưng nhẹ, người tự nhiên cảm thấy lạnh. Ban đầu, anh nghĩ do thời tiết nên bảo con ăn xong thì nằm nghỉ và lấy chăn bông đắp cho đỡ lạnh. Đến khoảng 16h, con gái của anh nói: "Con nghĩ con bị nhiễm Covid-19, vì thấy ho, cảm giác lạnh hơn". Anh Trung lấy test nhanh để test cho con, kết quả dương tính.
Đêm 5/12, bé thứ hai xuất hiện triệu chứng khó thở, kết quả test PCR dương tính. Tối 7/12, mẹ ruột của anh bắt đầu đau đầu nên sử dụng 2 viên Panadol. Tới sáng hôm sau, bà nội cũng dương tính khi thực hiện test nhanh, triệu chứng nhức đầu và rất lạnh, ho.
Chia sẻ cảm xúc khi biết cả nhà cùng trở thành F0, anh Trung cho biết ban đầu rất hoang mang, lo lắng, có lúc đã mất bình tĩnh. Nhưng anh thấy may mắn vì dù là người trực tiếp tiếp xúc với các F0 trong gia đình nhiều nhất nhưng bản thân vẫn âm tính. Anh không biết lý giải tại sao nhưng có lẽ do thường ngày chăm tập thể dục nên sức đề kháng có phần tốt hơn. Một may mắn nữa là đúng thời điểm đó Hà Nội cho phép F0 biểu hiện nhẹ tự cách ly tại nhà. Là người duy nhất chưa nhiễm, anh có cơ hội chăm sóc cho mọi người.
Tuy nhiên, một mình ở nhà chăm sóc hai con nhỏ cùng mẹ già thật sự không dễ dàng. Anh Trung chia sẻ khó khăn đầu tiên là việc theo dõi sức khỏe của các con vì nhiệt độ của các bé thay đổi liên tục, lúc cao, lúc thấp, mệt mỏi, mê man, một đêm có thể dậy đến 4, 5 lần do khó thở và thiếu nước. Khó khăn thứ hai là việc đảm bảo đủ 3 bữa ăn cho các con vì hai con gái của anh đều kén ăn và mất rất nhiều thời gian để xong một bữa ăn.
Thứ 3 là việc chăm sóc cá nhân cho các con. Bé lớn có thể tự làm các việc cá nhân nhưng cô bé 4 tuổi thì phụ thuộc hoàn toàn vào bố. Cuối cùng là việc đảm bảo an toàn trong tiếp xúc, khử khuẩn bề mặt. "Các cháu đang vui chơi tự do, ý thức tự bảo vệ chưa cao. Giờ tôi lại phải yêu cầu các con ở trong một phòng kín, giữ khoảng cách, khử khuẩn tay và bề mặt thường xuyên khi tiếp xúc, va chạm, dẫn đến hạn chế sự vận động của các con. Điều này thực sự là một thách thức", anh Trung nói.
Sau quá trình chăm sóc con, anh Trung nhận thấy tuần đầu tiên là quan trọng nhất trong việc theo dõi diễn tiến tình hình bệnh của người mắc Covid-19. Bởi các con sốt và khó chịu chủ yếu vào ban đêm, khó ngủ khi mệt mỏi và khó thở, cảm giác thiếu nước nhiều do khô đau họng. Đặc biệt, 3 ngày đầu tiên, các bé sốt cao, nhiệt độ thay đổi, khó thở, ho, mỏi nhức người. Con gái lớn của anh có triệu chứng sốt và khó thở nặng hơn em. Nhiệt độ cao nhất của cô chị khi đo là 39 độ, cô em cao nhất khoảng 38,3 độ. Mẹ của anh chỉ sốt khoảng 38,2 độ, lạnh và mỏi nhức người, đặc biệt là vào ngày đầu tiên bị. May mắn là bà mệt mỏi khoảng 4 hôm là đỡ. Bà cách ly riêng ở phòng nhỏ và vẫn tự sinh hoạt bình thường.
Sau tuần đầu, khi diễn biến tình trạng bệnh của các con không phát sinh triệu chứng mới hoặc nặng hơn thì sức khỏe dần cải thiện. Lúc này, hai chị em cắt hẳn sốt, chỉ còn cô chị hơi mỏi người và ho có đờm. Anh Trung cũng tham khảo cô bạn làm dược sĩ và biết được triệu chứng ho sau nhiễm Covid-19 sẽ có thể kéo dài đến 2, 3 tuần sau khi dứt sốt nên cũng không quá đáng ngại, chủ yếu tập trung cho các con uống thuốc và vitamin để cải thiện đề kháng. Tới tuần thứ 3, sức khỏe các các con cải thiện tốt hơn, các cơn ho cũng giảm dần và khả năng vận động tốt hơn.
Trong suốt thời gian các con và mẹ già bị nhiễm virus, anh Trung duy trì đủ 3 bữa ăn. Hai bé đều thích ăn trứng và xúc xích nên thực đơn chủ yếu là trứng, xúc xích và rau xanh (đỗ, rau cải, bí đỏ). Mẹ anh ăn uống dễ hơn và cũng không quá mệt mỏi. Anh bổ sung hoa quả tươi, chủ yếu là cam, quýt, chuối và có một bữa ăn nhẹ giữa buổi chiều như bánh mỳ, bánh ngọt và uống sữa cho các thành viên trong gia đình.
Về thuốc điều trị, anh chuẩn bị sẵn Panadol, thuốc hạ sốt vị cam cho trẻ nhỏ, vitamin C 500mg, siro ho Bảo Thanh, viên ngậm ho Bảo Thanh, siro kẽm, nước xịt mũi, xúc họng TB, thuốc xịt mũi, thuốc tiêu đờm, điện giải chống mất nước.
- Một ngày các cháu và bà nội rửa mũi, xúc họng 3 lần (sáng, trưa,tối).
- Vitamin C và siro kẽm ngậm hoặc uống vào buổi sáng sau bữa ăn.
- Siro ho, thuốc ngậm sử dụng 2 lần/ngày.
- Gói chống mất nước được pha uống hàng ngày.
- Thuốc tiêu đờm uống 5 ngày liên tục.
- Panadol chỉ dùng khi sốt cao. Bé lớn nhà anh chỉ dùng một lần, uống 3/4 viên.
- Xông hàng ngày (nguyên liệu: xả, chanh, gừng, muối, tía tô). Anh xông cho các con và mẹ của mình 10 ngày liên tục, mỗi ngày một lần. Việc xông rất hiệu quả, sau 3 ngày xông, các bé và bà nội đều cảm thấy mũi thông hơn, người nhẹ và đỡ mỏi hơn. Anh Trung thường cho mọi người xông vào buổi tối trước khi ngủ khoảng 2 tiếng.
- Cho các con uống nước ấm.
Về việc test nhanh lại Covid-19, sau 7 ngày và 14 ngày, anh Trung tự test nhanh cho mình, còn các con và bà nội thì 10 ngày thực hiện test lại.
Hàng ngày, anh và vợ vẫn liên lạc qua tin nhắn zalo và call video khi các con ăn. Trong cả quãng thời gian khi chăm sóc các con và mẹ già, vợ vẫn động viên, nhắc anh từng việc khi chăm con. "Tôi thực sự không biết sẽ thế nào khi cả 2 vợ chồng phải đi cách ly. Thực tế các cháu nhỏ rất cần sự quan tâm, nhắc nhở và giám sát thường xuyên tình trạng bệnh, uống thuốc, ăn uống và đảm bảo an toàn 5K", anh Trung cảm thấy gia đình mình đã rất may mắn khi có thể tự chăm sóc con và mẹ của mình tại nhà.
Qua 15 ngày nhiễm Covid-19, các kết quả xét nghiệm của hai cô con gái và bà nội đều cho ra âm tính. Đến thời điểm hiện tại, đã qua 6 ngày sau kết quả âm tính, các bé đã khỏe và sinh hoạt bình thường. Anh Trung vẫn duy trì rửa mũi, súc họng, bổ sung vitamin C và kẽm hàng ngày cho mọi thành viên. Hiện tại, anh chưa thấy các con và mẹ đẻ xuất hiện di chứng gì sau Covid- 19. Anh vẫn đang theo dõi xem các biểu hiện khác thường.
Sau thời gian chăm sóc người thân mắc Covid-19 tại nhà, anh Trung rút ra một số kinh nghiệm và hy vọng có thể giúp mọi người. Đầu tiên là cần bình tĩnh, lạc quan, suy nghĩ tích cực. Theo anh, nếu lúc đó suy nghĩ tiêu cực thì mọi người sẽ rất bế tắc và tuyệt vọng, gần như là không nghĩ được mình sẽ phải làm gì, hoặc làm việc gì cũng vội vàng, lúng túng, dễ nổi nóng.
Thứ hai là cần xác định những việc có thể làm tốt nhất tại thời điểm hiện tại cho người bệnh như: ăn uống đủ bữa, thực phẩm bổ sung, thuốc uống, xông hàng ngày; tuân thủ đúng đủ việc vệ sinh mũi, họng hàng ngày và bổ sung C, kẽm vào buổi sáng sau ăn. Người bệnh cũng cần được đo nhiệt độ định kỳ 3 lần/ngày: sáng ngủ dậy, trưa và tối trước khi ngủ. Ngoài ra, những lúc người bệnh thấy mệt mỏi hay sốt cũng nên đo.
Cuối cùng, người chăm sóc cần thường xuyên hỏi xem người bệnh có cảm thấy mỏi mệt, đau họng, khó thở, lạnh. Đặc biệt, các cháu nhỏ nên hỏi kỹ để nhận diện tình trạng hoặc triệu chứng mới nhằm có hành động kịp thời.
Hải My