Con bồ câu Nicoba trưởng thành được phát hiện hôm 3/11, khi nó đứng trên cành cây khoảng 30 giây và cán bộ kiểm lâm kịp dùng điện thoại chụp ảnh. Đây là loài bồ câu quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới.

Con bồ câu Nicoba vừa được phát hiện. Ảnh: Vườn Quốc gia Côn Đảo cung cấp
Bồ câu Nicoba (Caloenas nicobarica) được tìm thấy ở các hòn đảo nhỏ và những vùng bờ biển thuộc quần đảo Nicobar, ở phía đông Ấn Độ Dương. Tại Việt Nam, chúng từng được tìm thấy ở Côn Đảo cách đây gần 20 năm, với các tên gọi khác như bồ câu lông cổ, bồ câu đuôi trắng, bồ câu kền kền.
Khi trưởng thành, bồ câu Nicoba dài khoảng 34 cm, với bộ lông màu xanh kim loại, phản chiếu ánh màu đồng trông rất đẹp; lông đầu đen ánh; đuôi rất ngắn và có lông màu trắng ẩn bên dưới...
Loài chim này kiếm ăn trên mặt đất ở những vùng bằng phẳng, nhiều lá cây rụng. Thức ăn của chúng chủ yếu là các loại trái cây rừng, những hạt cứng và một vài động vật không xương sống. Chúng chỉ đẻ một trứng, tổ được xây rất đơn giản, có khi chỉ 3-4 que cây nhỏ sắp xếp một cách chắc chắn.

Cá thể bồ câu Nicoba được phát hiện năm 2007. Ảnh: Lê Mạnh Hùng
Ông Lê Hồng Sơn, Trưởng phòng Bảo tồn và Hợp tác quốc tế, Vườn Quốc gia Côn Đảo cho biết, đây là một trong những lần hiếm hoi bồ câu Nicoba xuất hiện tại lâm phần Vườn quốc gia Côn Đảo. Năm 2003, Vườn đã tiến hành cuộc điều tra về loài chim này, song chưa xác định số lượng cụ thể do tập tính của chúng rất nhát và khó tìm thấy.
Vườn Quốc gia Côn Đảo nằm ngoài khơi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với tổng diện tích tự nhiên hơn 19.800 ha, gồm hơn 5.800 ha bảo tồn rừng trên các hòn đảo và 14.000 ha bảo tồn biển. Khu vực rừng ghi nhận 25 loài thú, 85 loài chim, 32 loài bò sát và 13 loài ếch nhái. Trong khi tài nguyên biển ghi nhận 1.725 loài sinh vật.
Trường Hà