![]() |
Bọ cánh cứng "pháo thủ". |
Để đạt tốc độ phóng hơn 500 xung mỗi giây, các "pháo thủ" bọ cánh cứng đã nhào trộn cực nhanh hai loại hoá chất đặc biệt trong một “buồng đốt” hình trái tim ở ngay trong cơ thể. Phản ứng mãnh liệt giữa hai thành phần này đã đun sôi và đẩy dịch lỏng ra khỏi “nòng súng” - là một lỗ nằm ở chót bụng của nó.
Andy Mclntosh, tại Đại học Leeds, Anh, cho rằng chúng ta có thể mô phỏng cơ chế tạo xung chất lỏng hiệu quả này để phát triển một loại động cơ máy bay có thể dễ dàng khởi động lại trên những độ cao lớn.
Hiện tại, động cơ tuabin khí thường phải tái khởi động ở độ cao lớn, nơi nhiệt độ có thể xuống thấp tới -50 độ C. Quá trình này hiện được thực hiện bằng cách sử dụng một dòng điện để tạo ra oxy tự do (là các nguyên tử chỉ có một electron). Oxy tự do được đẩy vào trong buồng đốt, nơi chúng sẽ phát hỏa cho nhiên liệu. Tuy nhiên, cơ chế như vậy khiến cho việc tạo ra và kiểm soát một động cơ phản lực mạnh là rất khó khăn. Phương pháp tạo xung hiệu quả của bọ cánh cứng có thể là gợi ý rất tốt cho các nhà thiết kế máy bay.
“Chúng tôi tin rằng kích cỡ buồng đốt và nòng súng có vai trò quan trọng trong cơ chế này”, Mclntosh nói.
Trong một dự án 3 năm được tài trợ bởi Cơ quan nghiên cứu khoa học Vật lý và Động cơ Anh, Mclntosh sẽ thực hiện các mô phỏng trên máy tính về cơ chế đốt trong của bọ cánh cứng và xây dựng mô hình để tìm hiểu đặc tính của "buồng đốt" và "nòng súng" ở những hình dạng khác nhau.
Bích Hạnh (theo NewScientist)