Dịp đầu năm, ca sĩ Tuấn Cảnh nói về cuộc sống sau 16 năm định cư ở Mỹ, mối quan hệ với con gái Xuân Mai sau khi vợ chồng anh ly hôn.
- Sau khi Xuân Mai lập gia đình, sinh con, anh và con gái giữ kết nối ra sao?
- Tôi và vợ cũ ly hôn năm 2003, sau đó cô ấy mang hai con qua Mỹ sống. Vì xa cách, tôi và bọn trẻ ít liên lạc, những cuộc điện thoại ngắn ngủi không đủ giữ tình cảm trong thời gian dài. Khi Xuân Mai lập gia đình, làm mẹ rồi mới hiểu lòng bố, từ đó quan tâm tôi nhiều hơn. Từ khi tôi sang Mỹ định cư, hai bố con kết nối nhiều hơn. Hàng tuần, Mai nhắn tin và gửi video các cháu cho ông ngoại xem. Con còn lại - Rich Anh Tuấn - sống ở Sacramento, vừa học cao học vừa giảng dạy ngành thú y nên rất ít khi về thăm nhà.
Tôi không buồn, cuộc sống Mỹ là vậy. Những đứa trẻ đủ 18 tuổi bắt đầu tự lập, dần tách khỏi vòng tay bố mẹ. Dù không gần con, tôi luôn theo dõi để hỗ trợ chúng khi cần.
- Ông quan tâm đến cuộc sống con gái hiện tại ra sao?
- Tôi thương Xuân Mai vất vả vì tính nghệ sĩ, lấy chồng sớm, sinh nở nhiều. Mai "một nách ba con", thu nhập hạn chế và chịu áp lực công việc ngân hàng. Con không than vãn, tôi hỏi han cũng chỉ trả lời chung chung để bố không lo lắng. Tôi hiểu tính Mai nên vẫn thường xuyên giúp đỡ, thấy con thiếu chỗ nào sẽ bù chỗ đó.
Khi con theo mẹ qua Mỹ, tôi ở xa nên không thể định hướng âm nhạc cho con. Xuân Mai từng có vài đêm nhạc cá nhân ở Mỹ và châu Âu, sau đó ra mắt một, hai cuốn băng với trung tâm ca nhạc tại đây nhưng đều không tạo được hiệu ứng. Suốt một thời gian, con cứ loay hoay không tìm thấy đường hướng phát triển phù hợp trong khi dòng chảy của thị trường âm nhạc không bao giờ dừng lại.
Vì vậy, Xuân Mai tập trung học hành, tốt nghiệp rồi xin việc. Trước khi lấy chồng năm 2015, con đã chọn khép lại giấc mơ ca hát dù còn rất yêu nghề. Bây giờ Mai chỉ là một người bình thường, làm mẹ của ba con. Dịp Tết, Mai về California chơi, hai bố con tôi tranh thủ thu âm vài ca khúc cho vui.
- Nhìn lại giai đoạn đỉnh cao của Xuân Mai, anh nghĩ gì?
- Tôi từng hy vọng cháu được học trong các lò đào tạo chuyên nghiệp để phát triển lâu dài như con đường của Britney Spears, Selena Gomez. Nhưng giai đoạn đó, tôi với mẹ cháu không cùng tiếng nói, lại rất ít liên lạc nên khó trao đổi. Tôi ở Việt Nam chẳng làm được gì cho con, chỉ buồn khi thấy con dần bị thui chột.
Một tài năng nhí muốn trở thành ngôi sao cần khổ luyện chứ không thể lên sân khấu hát mãi như lúc ba, bốn tuổi. Con phải được đầu tư học thanh nhạc, vũ đạo, thậm chí tập luyện và ăn uống hợp lý để vóc dáng cân đối. Nhưng thôi, mỗi người một lựa chọn, giờ Mai cũng an phận bên chồng con nên tôi chẳng tiếc gì.
- Anh lưu những ký ức gì về thời Xuân Mai còn nổi tiếng?
- Cuối thập niên 1990, có lẽ không ai qua được Xuân Mai kể cả nghệ sĩ người lớn. Tôi nhớ đêm diễn hoành tráng đầu tiên của con là liveshow ở Nhà hát Hòa Bình năm 2000. Con hát liên tục một tuần nhưng hôm nào rạp cũng đông khán giả. Sau đó, Xuân Mai ra Hà Nội diễn thêm bốn, năm suất ở Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô. Thấy con được khán giả yêu thương, nhiều bên đề nghị mở thêm show nhưng tôi từ chối.
Con từng rất tự tin, chuyên nghiệp khi trình diễn suốt một tiếng với 20 ca khúc dân ca, nhạc ngoại lời Việt, tiếng Anh. Tôi tự hào lắm bởi giai đoạn đó đâu phải ai cũng làm được như vậy. Băng Con cò bé bé 1 bán chạy nhất với giá 32.000 đồng mỗi cuốn, sau này được đăng tải lên YouTube, đạt lượt tìm kiếm và xem cao hơn các sản phẩm còn lại.
Bố con tôi cũng phải đầu tư nhiều cho các sản phẩm âm nhạc nhưng luôn chịu thiệt hại vì nạn băng đĩa lậu. Sau đó, hình thức nghe nhạc trên YouTube bắt đầu phát triển mà không siết chặt bản quyền, dẫn đến việc các tài khoản vô tư đăng tải MV của Xuân Mai. Vì vậy, con hoạt động năng nổ, chăm chỉ nhưng phần lớn thu nhập bị thất thoát, phần còn lại rất ít ỏi, không như nhiều người tưởng tượng.
- Gia đình anh giữ cuộc sống hồn nhiên ở tuổi ấy cho Xuân Mai ra sao?
- Ngoài thời gian thu băng đĩa, tôi ít để con đi diễn, không cho hát đám cưới, sinh nhật. Việc tập luyện, biểu diễn của Xuân Mai khi ấy giống như vui chơi vì em bé nào cũng thích ca hát. Con vừa học nghệ thuật, vừa đi mẫu giáo giống các bạn.
Hồi Xuân Mai ba tuổi, chúng tôi đưa con đi từ Nam ra Bắc quay MV. Cả nhà năm, sáu người trên chiếc xe 12 chỗ chạy dọc Nha Trang, Đà Nẵng, Huế đến Hà Nội. Con rất thích thú ngắm núi non, sông suối lại có bố mẹ, em trai bên cạnh. Chúng tôi cứ mệt sẽ dừng nghỉ, thấy phong cảnh đẹp như sông Hương, núi Ngự sẽ nán lại quay.
Người dân thường vây quanh xem Xuân Mai ghi hình, vài người còn chạy xe theo khi đoàn sang địa điểm mới. Xuân Mai biết mình nổi tiếng nhưng thân thiện, hay cười và sợ làm người khác buồn. Tôi nghĩ con đã có tuổi thơ đáng nhớ vì được ca hát, có những trải nghiệm mà rất ít em nhỏ có cơ hội.
- Rời sân khấu đã lâu, hiện cuộc sống của anh ra sao?
- Tôi sống cùng vợ và con trai út ở Garden Grove - nơi sầm uất, nhiều người Việt. Cuộc sống của chúng tôi gắn liền với tiệm phở cách nhà ba phút đi bộ, bắt đầu từ 7h đến 15h30 mỗi ngày. Tiệm rất nhỏ - khoảng 200 m2 nhưng người Việt khu này ai cũng biết, nhiều nghệ sĩ như Việt Hương, Chế Phong, Lê Giang lần nào qua Mỹ cũng ghé.
Mỗi tối, chúng tôi thường tranh thủ nghỉ sớm chứ không quây quần trò chuyện vì ai cũng mệt. Công việc cá nhân như khám bệnh, giải quyết giấy tờ, ngân hàng phải chờ đến ngày nghỉ cố định vào thứ tư. Tôi có nhiều bạn bè ở California nhưng ít gặp, ngày lễ Tết chỉ quây quần bên vợ con, thỉnh thoảng về Việt Nam thăm bạn bè.
Nhiều lúc, tôi thấy cuộc sống của mình quá ngột ngạt dù ở Mỹ gần 20 năm. Tôi nhớ những buổi cà phê thong dong, hay chỉ một cuộc điện thoại là các anh em nghệ sĩ có mặt đông đủ. Có lúc, tôi mơ về nước hưởng tuổi già. Vợ chồng sẽ tích cóp mua một ngôi nhà nhỏ để ban ngày buôn bán, ban đêm đi hát.
Xuân Mai sinh năm 1995, lên sân khấu từ năm hai tuổi. Cô từng có nhiều CD khuynh đảo thị trường âm nhạc với số lượng cả triệu bản. Trong sự nghiệp ca hát, cô ra mắt 30 album riêng và chung, nổi tiếng nhất là Con cò bé bé - cụm từ sau đó trở thành "thương hiệu" của Xuân Mai. Cô từng thực hiện liveshow với hàng nghìn khán giả khi mới năm tuổi.
Ca sĩ Tuấn Cảnh quê Hà Nội, từng theo học trường Văn hóa Nghệ thuật. Đầu thập niên 1990, anh được yêu thích với các bài hát mang âm hưởng dân ca, thường chạy show nhiều tỉnh. Cuối những năm 1990, Tuấn Cảnh trở thành "ông bầu" của Xuân Mai.
Thanh Mộc