Sự kịch tính của trận chung kết được hai đội tạo ra sau những loạt sút luân lưu may rủi. Thủ môn Boubacar Barry trở thành người hùng của Bờ Biển Ngà khi anh cản phá pha sút 11 mét của đội bạn rồi ngay sau đó tự mình thực hiện thành công quả sút phạt, giúp đội bóng quê hương giành thắng lợi 9-8 chung cuộc.
Trước đó, tưởng chừng Ghana sớm giành Cup khi hai cú sút đầu tiên của Bờ Biển Ngà đều đi ra ngoài, trong đó có cú sút đập cột của tân binh Man City Wilfried Bony. Tuy nhiên, thủ môn Barry cản phá thành công quả sút luân lưu thứ ba, giúp tinh thần của "những chú voi" vực dậy trở lại. Đến loạt sút thứ tư, tỷ số đã cân bằng khi Frank Acheampong của Ghana sút hỏng.
Barry có lẽ là người hợp với câu "thời thế tạo anh hùng". Anh vốn là thủ môn dự bị khi ở tuổi 35 và chỉ được bắt chính trận chung kết vì thủ môn Sylvain Gbohouo bị chấn thương ở bán kết.
Đây là lần thứ hai Bờ Biển Nga vô địch CAN. Năm 1992, "những chú voi" lần đầu tiên đăng quang Cup châu Phi khi vượt qua chính Ghana ở chung kết, và trận đấu cũng được giải quyết sau những loạt sút luân lưu.
Trận chung kết diễn ra rất căng thẳng khi hai đội liên tục phạm lỗi, trong khi những pha bóng đáng chú ý ít được tạo ra. Cả trận trọng tài đã thổi 53 lỗi. Bờ Biển Ngà liên tục có những pha bóng xấu chơi, phải nhận đến năm thẻ vàng.
Trong 120 phút, không có bàn nào được ghi. Số cú sút trúng khung thành cũng chỉ có một, thuộc về Bờ Biển Ngà. Tuy nhiên, Ghana mới là đội có nhiều pha nguy hiểm hơn khi bóng hai lần từ chân cầu thủ "ngôi sao đen" tìm đúng khung gỗ của thủ môn Barry.
Những ngôi sao được chờ đợi trước trận như Bony, Yaya Toure (Bờ Biển Ngà) hay Asamoah Gyan, Ayew (Ghana) đều không để lại dấu ấn nào.
Phân ngôi vô địch bằng loạt luân lưu đang trở thành truyền thống của CAN. 12 trận chung kết gần nhất, sáu lần trận đấu phải kéo đến chấm phạt đền. Trong đó, Bờ Biển Ngà từng thua hai lần.
HLV người Pháp Herve Renard trở thành người đầu tiên hai lần vô địch CAN với các quốc gia khác nhau. Năm 2012, ông cũng đưa Zambia đăng quang Cup châu Phi.
Hữu Nhơn