Tất cả hiện vật được khai quật năm 2002, tại khu di tích 18 Hoàng Diệu (Ba Đình, Hà Nội), được Thủ tướng công nhận bảo vật quốc gia hồi tháng 1/2023.
Bát thứ nhất hình cầu, cao 7,5 cm, xương gốm (phần cốt, thường bằng đất sét) màu trắng đục, men trắng, hoa văn vẽ màu lam dưới men. Đáy bát tô son nâu. Hoa văn trên bát chủ yếu là hình rồng. Bát được phát hiện nằm dưới lon sành thời Lê sơ, vỡ nhiều mảnh, một số mảnh bị mất. Các mảnh vỡ sau đó được ghép lại, phần bị mất được phục nguyên bằng bột đá và keo.
Bát thứ hai lớn hơn, chân đế cao gần gấp đôi bát đầu. Màu gốm giống chiếc đầu, đáy khắc chữ 中 (trung) dưới lớp son, lòng bát viết chữ 正 (chính). Khi khai quật, bát nứt vỡ nhưng chưa tách rời, đã được phục nguyên.
Bộ đĩa gồm 5 chiếc chia hai nhóm. Nhóm thứ nhất bốn đĩa lòng sâu có hình dáng tương tự nhau, đều hình cầu, thành tròn, miệng loe rộng, men trắng dày phủ kín trong ngoài, mặt ngoài vẽ đôi rồng, lòng đĩa cũng vẽ rồng. Các đĩa đều bị vỡ, đã gắn lại. Đĩa còn lại bên ngoài vẽ đôi rồng, lòng viết chữ 敬 (kính), dưới đáy có chữ 廚 (trù) tức là bếp. Đĩa gần như nguyên vẹn, miệng có vết sứt nhỏ.
Hoa văn trên bộ bát đĩa đều vẽ bằng bút lông, trực tiếp lên cốt gốm đã khô. Cách vẽ rồng ở tư thế bay lượn, đầu ngẩng cao, miệng nhả ngọc, thân uốn nhiều khúc, đuôi duỗi thẳng, vây dương cao, chân đạp mây. Hình tượng rồng trên các bát đĩa thể hiện sống động, hình khối uyển chuyển, tư thế vận động mạnh mẽ.
Trong hồ sơ công nhận bảo vật quốc gia, Cục Di sản văn hóa đánh giá các hình vẽ rồng chân 5 móng vuốt sắc nhọn là biểu tượng dành cho hoàng đế. Tại Lam Kinh (Thanh Hóa), khu lăng tẩm và thái miếu triều hậu Lê, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy một số mảnh bát đĩa vẽ hình rồng 5 móng nhưng đều bị vỡ, không đủ để phục hồi.
Để tạo ra các sản phẩm có xương gốm chắc, men dày và trong, hoa văn tinh xảo, nguyên liệu làm bát đĩa phải được lựa chọn cẩn thận, gạn lọc kỹ tạp chất, sau đó chuốt dáng trên bàn xoay, nung từng chiếc riêng. Vì được tạo tác thủ công nên đây là những hiện vật độc bản.
Theo Cục Di sản văn hóa, bộ sưu tập là minh chứng cho trình độ phát triển cao của kỹ nghệ sản xuất gốm sứ Đại Việt thời Lê sơ. Kỹ thuật sản xuất gốm men trắng vẽ lam xuất hiện từ lâu, đạt trình độ khá cao cuối thời Trần, đến thời Lê sơ "phát triển vượt bậc" với nhiều dòng men, kiểu dáng mới. Nhiệt độ và kỹ thuật nung đốt sản phẩm đạt và vượt tiêu chuẩn của đồ gốm men thông thường.
Qua chất liệu, hoa văn và chữ Hán trên bộ bát đĩa, Cục Di sản văn hóa cho rằng sản phẩm do quan xưởng triều đình, gồm các nghệ nhân giỏi nhất nước chuyên sản xuất vật phẩm cho hoàng gia nhà Lê sơ, sản xuất. Hoa văn tỉ mỉ và tinh xảo cho thấy trình độ và óc thẩm mỹ của thợ gốm.
Bộ sưu tập được tìm thấy cùng một số đồ dùng khác của vua và hoàng hậu, trong đó một số hiện vật viết chữ Trường Lạc - tên cung điện trong hoàng cung Thăng Long thời Lê sơ. Các hiện vật nằm trong lớp đào có địa tầng ổn định, không xáo trộn nên độ chân xác rất cao.
"Trang trí hình rồng có chân 5 ngón với 5 móng sắc nhọn biểu trưng cho quyền lực của vua và phản ánh sự chi phối mạnh mẽ tư tưởng Nho giáo và giá trị văn hóa tiêu biểu thời Lê sơ", Cục Di sản văn hóa nêu lý do đề xuất công nhận bộ bát đĩa là bảo vật quốc gia và khẳng định đây là tư liệu đặc biệt quan trọng để nghiên cứu lịch sử văn hóa Thăng Long và Đại Việt.