Hôm 2/4, khi công bố áp dụng thuế nhập khẩu đối ứng với hơn 180 đối tác thương mại, Tổng thống Donald Trump đặc biệt nhắc đến thịt bò Australia.
"Họ không nhận thịt bò của chúng ta", ông nói, ám chỉ lệnh hạn chế nhập khẩu bò Mỹ của Australia đã kéo dài hơn hai thập kỷ vì lo ngại bệnh bò điên.
Tuy vậy, ngành thịt bò Australia lại cảm thấy nhẹ nhõm khi nghe mức thuế 10% ông Trump áp lên sản phẩm của họ. Giới kinh doanh cho rằng nó không đủ để làm giảm đáng kể sản lượng xuất khẩu sang Mỹ – vốn đạt kỷ lục khoảng 275 triệu USD mỗi tháng trong nửa năm qua, tính đến tháng 2.
"Tôi không quá lo lắng về mức thuế 10%", Andrew McDonald, Giám đốc tập đoàn Bindaree Food Group - sở hữu chuỗi cơ sở chế biến thịt và xuất khẩu sang Mỹ - nói.
Ông cho biết thông báo áp thuế còn khiến nhiều nhà nhập khẩu Mỹ quay lại đặt hàng thịt bò Australia sau nhiều tuần tạm dừng để chờ chính sách rõ ràng hơn.

Khách chờ tham gia phiên đấu giá bò tại Moss Vale, Australia, ngày 3/4. Ảnh: Reuters
Nhu cầu nhập thịt bò của Mỹ duy trì ở mức cao, do sản lượng nội địa giảm và giá tăng vọt. Nguyên nhân bởi thời tiết khô hạn suốt thời gian dài, khiến quy mô đàn gia súc thu hẹp xuống mức thấp nhất từ những năm 1950. Theo giới phân tích, sản lượng trong nước cần vài năm để phục hồi mức như trước đây.
Australia đang dẫn đầu về khối lượng thịt bò xuất khẩu sang Mỹ. Họ cung cấp các loại thịt nạc với mức giá thấp hơn so với sản phẩm nội địa. Trước khi bị áp thuế, giá thịt bò nạc Australia tại Mỹ dao động 3,12 USD mỗi pound (gần 0,5 kg), theo ông Angus Gidley-Baird, chuyên gia phân tích tại Rabobank.
Sau khi tính thêm thuế đối ứng, giá tăng lên 3,43 USD mỗi pound, vẫn thấp hơn đáng kể so với sản phẩm Mỹ là 3,8 USD mỗi pound. Theo Angus Gidley-Baird, điều này chỉ khiến giá một chiếc bánh burger loại quarter-pounder (113 gram thịt) dùng bò Australia tăng thêm khoảng 2,5 cent.
Ngoài ra, tỷ giá hối đoái mang lại lợi thế lớn cho nhà sản xuất Australia. Đồng AUD giảm mạnh so với USD giúp họ nhận được nhiều nội tệ hơn cho mỗi đơn hàng xuất khẩu, đồng thời kích thích người mua Mỹ tăng đặt hàng.
Hiện có hai nhà cung cấp thịt bò là Canada và Mexico không chịu ảnh hưởng bởi thuế đối ứng của Mỹ. Tuy nhiên, theo chuyên gia Dennis Voznesenski của Ngân hàng Commonwealth, năng lực gia tăng sản lượng xuất khẩu của hai nước này trong ngắn hạn khá hạn chế.
Cùng lúc đó, nhu cầu bò Australia của Trung Quốc tăng mạnh, sau khi nước này thông báo áp thuế nhập khẩu bổ sung 34% lên toàn bộ hàng Mỹ từ ngày 10/4. Trung Quốc chi 125 triệu USD mỗi tháng mua bò Mỹ. Tuy nhiên, ngoài áp thuế bổ sung, Bắc Kinh cũng từ chối gia hạn phê duyệt cho hàng trăm nhà máy chế biến thịt của Washington sang nước này.
Nhờ vậy, cơ hội gia tăng thị phần đang mở ra cho các nhà cung cấp thịt bò khác như Australia, Brazil, Argentina và New Zealand. "Đây rõ ràng là kết quả tích cực cho Australia", ông Andrew McDonald nói.
Trung Quốc là quốc gia lớn duy nhất có hành động trả đũa thương mại với Mỹ. Đây là thị trường nhập khẩu thịt bò Mỹ lớn thứ ba, sau Hàn Quốc và Nhật Bản, với tỷ trọng khoảng 10% tổng giá trị xuất khẩu thịt bò của Mỹ.
Năm ngoái, Australia đạt sản lượng thịt bò cao nhất từ trước đến nay, với 2,57 triệu tấn được chế biến và kỷ lục 1,34 triệu tấn được xuất khẩu ra toàn cầu.
Phiên An (theo Reuters)