Bộ áo dài in hình trống đồng, hoa sen, chim hạc, do Bệnh viện Quân y 175 tặng 10 nữ y bác sĩ Bệnh viện Dã chiến nhận nhiệm vụ quốc tế tại Nam Sudan, được các chị mang theo hôm nay.
Thiếu tướng, phó giáo sư Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, cho biết món quà đặc biệt này có ý nghĩa như gia đình, đất nước luôn ở bên các chị trong những năm tháng xa nhà.
Trong 10 nữ quân y tuổi từ 25 đến 43, có 4 chị đã lập gia đình. Họ chia tay chồng con, người thân để lên đường làm nhiệm vụ.
Các nữ quân y cho biết những bộ áo dài màu thiên thanh duyên dáng sẽ giúp các chị giới thiệu một phần văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế, là thông điệp hòa bình. Ngoài áo dài, các y bác sĩ chuẩn bị thêm cả dụng cụ và nguyên liệu làm món ăn Việt truyền thống, tập những điệu múa dân tộc... để giao lưu trong thời gian làm nhiệm vụ.
Đại úy Phạm Thị Thu Trang, 39 tuổi, là điều dưỡng, một trong các y bác sĩ làm nhiệm vụ đợt này. Trải qua 4 năm đào tạo khắt khe, đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho nhiệm vụ quốc tế nhưng những ngày trước khi lên đường, đại úy Trang không tránh khỏi bồi hồi. Đêm trước ngày lên đường, chị đã chia tay con gái đang học lớp 7. Bé cũng đã được vợ chồng chị gửi về nhà ông bà ngoại ở miền Trung để nhờ ông bà chăm sóc trong thời gian mẹ đi công tác xa.
Đại úy Trang đang công tác tại Bệnh viện Quân đoàn 4 ở tỉnh Bình Dương. 4 năm trước khi được chọn tham gia lực lượng Bệnh viện dã chiến cấp 2 đi Nam Sudan, nữ điều dưỡng Trang lúc ấy khăn gói từ Bình Dương lên Bệnh viện Quân y 175 (TP HCM) để tham gia huấn luyện về chuyên môn, thể lực, ngoại ngữ...
Ban đầu bố mẹ chị rất lo lắng khi con gái nhận nhiệm vụ sang đất nước nội chiến. "Dần dần qua quá trình huấn luyện với các chuyên gia, tìm hiểu tài liệu, lắng nghe chia sẻ thực tế từ những anh sĩ quan liên lạc ở Nam Sudan về, mình hiểu hơn về công việc và phân tích cho bố mẹ yên tâm", đại úy Trang chia sẻ.
Nữ đại úy cũng nói rằng dù không được ở gần mẹ nhưng con gái chị cũng hiểu, tự hào và khoe với mọi người về nhiệm vụ của mẹ. Công việc của mẹ được cô bé đang tuổi lớn mường tượng phần nào qua bộ phim "Hậu duệ mặt trời".
Những ngày tháng tham gia huấn luyện, chị Trang cũng thường kể con gái nghe về những trải nghiệm "không phải ai cũng có cơ hội trải qua". Đó là những đợt thực tế ở Hóc Môn, Bình Phước, được tập huấn về kỹ năng sinh tồn khi bị lạc giữa rừng, căng lều bạt giữa núi cao, nấu cơm bằng bếp Hoàng Cầm, xử trí các tình huống cấp cứu bệnh nhân, làm quen với tiếng súng đạn...
Cũng như đại úy Trang, nữ sĩ quan Sa Minh Ngọc 27 tuổi tạm biệt chồng trong lễ xuất quân sáng 1/10. Hai vợ chồng mới cưới nhau được một năm và chưa có con. Trước đó chị Ngọc đi du học nước ngoài trở về công tác tại Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam và được biệt phái vào lực lượng Bệnh viện dã chiến. "Đây là nhiệm vụ thiêng liêng vì Tổ quốc nên tôi sẵn sàng cùng đồng đội lên đường, gia đình cũng rất ủng hộ", sĩ quan Minh Ngọc chia sẻ.
"Mặc bộ quần áo mang tên Việt Nam trên ngực đến với môi trường gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc là một niềm hãnh diện", nữ sĩ quan nhấn mạnh.
Đến vùng đất đang nội chiến với khí hậu khắc nghiệt, có khi lên tới hơn 50 độ C, nhiều dịch bệnh, Ngọc cùng các y bác sĩ, cán bộ Bệnh viện dã chiến được huấn luyện khả năng sinh tồn trong những tình huống nguy hiểm. "Chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn, có cả những rủi ro nhưng chúng tôi đã được đào tạo chặt chẽ nên không lo lắng", Ngọc nói.
Đại tá Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Gìn giữ hòa bình Việt Nam cho biết lực lượng Bệnh viện dã chiến là những quân nhân ưu tú, được huấn luyện chuyên môn theo chuẩn của Liên Hợp Quốc như khả năng hồi sức cấp cứu, vận chuyển đường không và đường bộ các bệnh nhân nặng chuyển tới tuyến y tế cao hơn. Các bác sĩ "mũ nồi xanh Việt Nam " có thể thực hiện 3-4 ca phẫu thuật một ngày có gây mê.
Sáng 1/10, Bộ Quốc phòng tổ chức tiễn 63 cán bộ quân y Bệnh viện dã chiến sang Nam Sudan thực hiện nhiệm vụ quốc tế của Liên Hợp Quốc tại sân bay Tân Sơn Nhất. Nam Sudan là quốc gia ở Đông Phi, với hơn 13 triệu dân. Người dân ở quốc gia này hiện phải đối mặt các cuộc xung đột sắc tộc, nội chiến, nạn đói và bệnh tật. Tất cả cán bộ, chiến sĩ của Bệnh viện Dã chiến được tuyển chọn và huấn luyện giải quyết những cấp cứu căn bản nội khoa và ngoại khoa. Các bác sĩ được huấn luyện trải qua những tình huống cấp cứu hàng loạt, cháy nổ, bom đạn, trang bị ngoại ngữ, khả năng sinh tồn, văn hóa nước sở tại, những kiến thức cơ bản trong hoạt động gìn giữ hòa bình. Dự kiến đoàn công tác sẽ làm nhiệm vụ khám chữa bệnh cho quân nhân trong phái bộ gìn giữ hòa bình và khoảng 150.000 dân thường ở trại tị nạn trong một năm kể từ ngày 28/9. |