Thậm chí, một số nhân viên Gen Z nói không ăn trưa bởi cảm giác tội lỗi khi thấy đồng nghiệp đang làm việc. Tỷ lệ người trẻ mặc cảm khi ăn trưa ở văn phòng cao gấp bốn lần so với thế hệ trước. Dù 100% lao động đều cho rằng giờ nghỉ trưa tác động tích cực đến hiệu suất công việc.
Robyne Hanley-Dafoe, chuyên gia quản lý căng thẳng ở Mỹ, nói không ăn trưa trong thời gian dài ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tinh thần và thể chất. Bữa ăn này giúp người lao động tránh bị kiệt sức. Thời gian nghỉ trưa cùng sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống là hai yếu tố giúp nhân viên tăng hiệu suất lao động.
"Ra ngoài ăn trưa cũng tạo cơ hội để bạn vận động sau giờ làm việc căng thẳng. Vận động nhiều giúp bạn khỏe mạnh và vui vẻ hơn", chuyên gia nói.
Nghiên cứu đầu năm nay của Đại học New York phân tích dữ liệu của 7.000 người lao động cho thấy lịch làm việc không ổn định có mối quan hệ chặt chẽ với chứng mất ngủ, mệt mỏi và suy giảm sức khỏe.
Không chỉ Gen Z thấy tội lỗi khi nghỉ ngơi ở văn phòng, 23% người được hỏi thuộc các thế hệ cho biết không thể ngủ trưa vì sợ mất thời gian làm việc, 19% nói có quá nhiều cuộc họp nên không thể ăn trưa.
Báo cáo của ezCarter khuyến cáo các doanh nghiệp nên xây dựng môi trường làm việc lành mạnh bằng cách ủng hộ nhân viên nghỉ trưa.
Kaushik Subramanian, giám đốc của ezCater, cho biết ăn trưa và nghỉ ngơi là hai thứ dễ bị đánh đổi khi lịch làm việc dày đặc.
"Dù vậy hai hoạt động này có thể gia tăng sự đoàn kết của đồng nghiệp và cải thiện sức khỏe cho người lao động", vị chuyên gia nói.
Chuyên gia Hanley-Dafoe bổ sung thêm, người lao động không được ngủ hay ăn trưa có thể gặp nhiều vấn đề tinh thần. Nếu khối lượng công việc nhiều đến mức phải bỏ ăn thì rõ ràng họ đang làm việc trong môi trường độc hại, căng thẳng.
Minh Phương (Theo Newsweek)