Ngược dòng thời gian của 11 năm về trước, doanh nhân Hồ Quang Minh luôn trăn trở với câu hỏi: "Làm sao để hỗ trợ cộng đồng doanh nhân Việt ngày càng phát triển, đủ sức đứng vững trong một thế giới đầy biến động và cạnh tranh?". Qua một cuộc họp của BNI tại Malaysia, ông Minh nhận thấy triết lý, phương pháp làm việc của BNI phù hợp và hữu ích cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ nên đã quyết định đưa thương hiệu BNI về triển khai tại Việt Nam.
Trải qua nhiều thử thách, BNI Việt Nam giờ đây trở thành một trong những tổ chức thương mại uy tín, vững chắc nhất bởi hệ thống hoạt động bài bản, mang lại những giá trị thực tế cho doanh nhân. Hiện, thương hiệu có hơn 7.400 thành viên là chủ doanh nghiệp tại 26 tỉnh thành trong cả nước. Từ đầu năm 2020, tốc độ tăng trưởng thành viên của BNI Việt Nam xếp hạng cao nhất trên tổng số 70 quốc gia mà BNI đang có mặt.
"Có được thành tích đó chính là nhờ những giá trị mà BNI đem lại cho cộng đồng doanh nghiệp thành viên", ông Lê Trường Sơn, giám đốc Điều hành BNI Việt Nam chia sẻ.
Thực tế cho thấy, trong tình hình hiện tại, rất nhiều doanh nghiệp thua lỗ, phải thu gọn quy mô sản xuất, giảm nhân sự, chuyển đổi mô hình kinh doanh. Tuy nhiên, số lượng thành viên mới tham gia BNI tăng trưởng vượt bậc. Trong 12 tháng qua, các thành viên trao nhau hơn 8.866 tỷ đồng giá trị các cơ hội kinh doanh.
Đại diện BNI cho biết, những ngày đầu khi tham gia, nhiều thành viên sẽ cảm thấy khó chịu khi phải tuân thủ kỷ luật sinh hoạt: mỗi tuần phải có mặt tại các cuộc họp của chapter mình tham dự đúng giờ, thực hiện việc học tập, gặp gỡ các thành viên trong chapter một cách đều đặn, trao đi những cơ hội kinh doanh và tìm kiếm khách hàng giúp đồng đội, áp điểm KPI giống như đang hoạt động kinh doanh. Nhưng chính những hoạt động hàng ngày đã giúp tạo một thế hệ doanh nhân Việt khác biệt, những người thấu hiểu, thấm nhuẩn tinh thần: "cho là nhận".
Khi tham gia vào một cộng đồng, nếu chưa đóng góp, cống hiến thì thành viên cũng không thể đòi hỏi những thành viên khác giúp mình. Bằng hành động trao đi những giá trị, những cơ hội kinh doanh, mối quan hệ, thành viên sẽ tạo uy tín, sức ảnh hưởng, sẽ nhận lại các giá trị tương ứng.
"Học tập suốt đời" là giá trị quan trọng thứ hai trong BNI. Ai cũng cần học, doanh nhân càng phải học. Trong thời đại 4.0 khi mọi sự thay đổi và xoay chuyển diễn ra hàng ngày hàng giờ thì học là việc bắt buộc. Một hệ thống học tập online luôn cập nhật các kiến thức kinh doanh cả trong, ngoài nước chính là kho tàng tri thức vô giá dành cho các doanh nhân BNI.
Kết hợp giữa "truyền thống và đổi mới" là một yêu cầu rất quan trọng. Để giúp cho các thành viên vượt qua thử thách trước mắt, BNI Việt Nam tiến hành chuyển đổi số, đưa mọi hoạt động lên internet.
"Thái độ tích cực" luôn được khuyến khích trong BNI, bởi chỉ khi người chủ doanh nghiệp có thái độ cầu thị, họ mới có thể xây dựng những quan hệ chất lượng, có chiều sâu. Điều này sẽ giúp đỡ nhau trong công việc, cuộc sống.
"Tinh thần và trách nhiệm" là yêu cầu hàng đầu để một doanh nhân có thể đứng vững trong BNI, trên thương trường. Mỗi doanh nhân khi tham gia BNI đều được yêu cầu phụ trách từ những việc đơn giản nhất: tham gia các công việc hậu cần, đón khách, thuyết trình và điều hành buổi họp ... Khi một mắt xích trong chuỗi không hoàn thành trách nhiệm, mọi việc khác có thể bị ảnh hưởng.
Một giá trị khác của BNI là "sự công nhận". Khi thành viên có đóng góp, mọi nỗ lực dù nhỏ nhất đều được ghi nhận. Điều này cũng đúng khi các thành viên áp dụng vào công việc điều hành doanh nghiệp của chính mình.
Đại diện BNI cho biết, chính 7 giá trị cốt lõi đó mà hệ thống BNI chứng minh được tính hiệu quả, giúp các thành viên phát triển bản thân, tăng trưởng kinh doanh.
Tiến sĩ Ivan Misner sáng lập BNI tại Mỹ năm 1985. Hiện nay, BNI có 284.000 thành viên tại 70 quốc gia. Trong vòng 12 tháng qua, thành viên BNI toàn cầu đã trao nhau 12 triệu cơ hội kinh doanh với tổng giá trị 17,8 tỷ USD.
Tại Việt Nam trong 11 năm hoạt động, các thành viên BNI đã trao nhau gần 38.000 tỷ đồng (hơn 1,6 tỷ đô).
(Nguồn: BNI Việt Nam)