Số liệu tính đến ngày 2/8, vừa được ông Đỗ Lập Hiển - đại diện Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch Covid-19, chia sẻ tại Hội nghị phổ biến kinh nghiệm triển khai các nền tảng công nghệ phòng chống dịch. Theo ông Hiển, khi có một ca nhiễm hoặc nghi nhiễm, cơ quan y tế sẽ khai thác lịch sử tiếp xúc thông qua điện thoại cài Bluezone của bệnh nhân. Hệ thống sẽ tìm ra danh sách các số điện thoại đã tiếp xúc gần với ca nhiễm này, đưa vào danh sách truy vết của cơ quan y tế.
Kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát cuối tháng 4, qua khai thác từ 4.500 ca nhiễm và nghi nhiễm có sử dụng Bluezone, cơ quan y tế đã tìm ra được hơn 51.000 người tiếp xúc gần, bổ sung thêm vào danh sách truy vết bằng các phương pháp truyền thống.
Ngoài việc giúp phát hiện tiếp xúc gần, tính năng khai báo y tế trên Bluezone cũng giúp rút ngắn thời gian lấy mẫu xét nghiệm. Thực tế này được ông Lê Văn Tuấn, Giám đốc Sở TT&TT Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ tại hội nghị.
Ông Tuấn cho biết khi triển khai xét nghiệm cho người dân, một số nơi trong tỉnh đã thử nghiệm chia thành hai luồng, gồm luồng cho những người cài và chưa cài Bluezone. Kết quả cho thấy, với nhóm người dân sử dụng Bluezone, công tác lấy mẫu xét nghiệm đã giảm khoảng 50% về thời gian, trong khi nhân lực nhập liệu từ 2 người được rút xuống 1 người do chỉ cần quét mã QR. Thời gian của một lượt lấy mẫu xét nghiệm còn chưa đến một phút.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng chỉ ra một thực tế là có những người điền thông tin trên Bluezone chưa chính xác. Tỷ lệ nhập sai (tên tuổi, địa chỉ) được ghi nhận tại Bà Rịa - Vũng Tàu vào khoảng 15 - 16%. Điều này dẫn tới việc có những nơi vẫn phải yêu cầu người dân điền thông tin ra giấy, sau đó có nhân viên đối chiếu, chỉnh sửa giúp trên ứng dụng.
Tại hội nghị, đại diện Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch Covid-19 cũng chia sẻ về hai công cụ công nghệ đang được sử dụng trong việc phòng chống dịch: Công cụ giúp xác định các mốc dịch tễ và Công cụ lập bản đồ di chuyển của ca nhiễm.
Mốc dịch tễ là các địa điểm, sự kiện mà ca bệnh đã đi đến hoặc đã tham gia trong khoảng 3 ngày trước khi khởi phát bệnh cho đến khi được cách ly y tế. Thời gian qua, các địa điểm công cộng đã được triển khai dán mã QR, đồng thời tính năng quét mã có sẵn trên Bluezone, VHD hoặc Ncovi. Theo ông Hiển, khi có ca nhiễm, cơ quan y tế sẽ nhập số điện thoại của họ vào, từ đó xác định được nơi mà người bệnh đã quét mã QR, kèm theo thời gian tương ứng. Từ đây, cơ quan y tế tìm ra những người xuất hiện cùng lúc với ca nhiễm tại các mốc dịch tễ đó.
Bản đồ di chuyển của ca nhiễm là một công cụ mới, được đánh giá là có tính đột phá, và là sản phẩm phối hợp từ nhiều giải pháp khác nhau.
"Một số ca nhiễm hoặc nghi nhiễm có lịch sử di chuyển phức tạp do đặc thù công việc, chẳng hạn như các tài xế. Đôi khi những người này không nhớ hết, dẫn đến bỏ xót các mốc dịch tễ quan trọng, ngoài ra còn có những trường hợp khai báo không trung thực hoặc bỏ trốn. Khi đó, trung tâm công nghệ sẽ phối hợp liên hoàn các giải pháp để lập bản đồ di chuyển của ca nhiễm", ông Hiển chia sẻ.
Thời gian qua, đã có 597 bản đồ di chuyển của ca bệnh được xây dựng, giúp phát hiện nhiều trường hợp tiếp xúc gần. Đặc biệt, giải pháp này cũng giúp tìm ra 22 F0 bỏ trốn. Cần Thơ là một trong những tỉnh thành áp dụng hiệu quả công cụ này. Theo ông Hiển, bản đồ di chuyển đã giúp Cần Thơ tìm ra thêm nhiều F1, trong đó có những F1 đã trở thành F0.
Thời gian qua, nhiều giải pháp công nghệ đã được triển khai trong cả nước, phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây cũng đưa ra ba nền tảng công nghệ bắt buộc dùng chung trên cả nước, gồm nền tảng khai báo y tế, xét nghiệm, quản lý tiêm chủng.
Theo Thứ trưởng TT&TT Nguyễn Huy Dũng, với sức lây lan nhanh của chủng Delta, chắc chắn công nghệ là công cụ không thể thiếu nếu chúng ta muốn chống dịch hiệu quả. Tuy nhiên, ông Dũng cũng cho rằng, công nghệ phải kết hợp với các biện pháp quản lý hành chính, biện pháp nghiệp vụ khác mới trở thành một giải pháp trọn vẹn.
Lưu Quý