Thứ năm, 30/9/2021, 07:02 (GMT+7)

Blogger du lịch check in làng bích hoạ khắp Việt Nam

Đến các làng bích họa màu sắc, Trung cảm nhận được hơi thở, cuộc sống thường ngày của dân địa phương một cách rõ ràng hơn.

Nguyễn Khải Trung, sinh năm 1997, sống tại Hà Nội, còn trẻ nhưng đã sở hữu một gia tài du lịch "khủng" với 84 chuyến đi đến 61 tỉnh thành Việt Nam. Ngoài cảnh đẹp thiên nhiên, chàng trai trẻ có sở thích ghé thăm các làng bích họa rực rỡ sắc màu. Đến nay, Trung đã thăm 5 ngôi làng và nhiều con đường, bức tường bích họa trên khắp cả nước.

Nguyễn Khải Trung check-in ở làng bích họa Tam Thanh.

Những ngôi làng bích họa cũng giống như bất kỳ làng quê nào khác ở Việt Nam. Chúng bình dị, mộc mạc với những ngôi nhà cấp 4 dọc theo những con đường nhỏ, song ở những ngôi làng bích họa, sự sống được tô điểm thêm với những bức tranh. Những bức tường, bờ kè khô khan được thổi thêm sức sống với các hình vẽ sinh động, đầy màu sắc.

Theo chia sẻ của Trung, những bức bích họa thường tái hiện khung cảnh, văn hoá, cuộc sống hàng ngày của người dân một cách chân thực và gần gũi. Qua đó, chúng thể hiện quá trình hình thành, phát triển, xây dựng đời sống và khát vọng ấm no đủ đầy của làng quê ấy: "Làng bích họa ở biển thường có hình ảnh làng chài, thuyền đánh cá, sinh vật biển... Trên vùng cao thì có hình ảnh ruộng bậc thang, rừng núi hoa cỏ, văn hóa dân tộc... Ở vùng nông thôn thì thường có hình vẽ cây đa, sân đình, đồng lúa". Ngoài những hình ảnh đời thường, các họa sĩ còn vẽ thêm nhiều hình ảnh phong phú khác nhau như nhân vật hoạt hình, người nổi tiếng hay tái hiện lịch sử, thậm chí vẽ cả tranh trừu tượng.

Con đường thuyền thúng tại làng bích họa Tam Thanh.

Trong những ngôi làng mình từng đến, Trung ấn tượng nhất với làng bích họa Tam Thanh (Quảng Nam). Đây là làng bích họa đầu tiên ở Việt Nam, với những bức tường được các họa sĩ vẽ dọc theo con đường ven biển. Trung cho biết, có khoảng 100 bức bích họa, biến những ngôi nhà và bức tường rào cũ kỹ tại đây trở nên sống động lạ thường. Một người dân địa phương chia sẻ, những bức tranh giúp mọi vất vả, mệt nhọc mưu sinh trên biển của họ biến mất khi thuyền cập bến trở về làng. Du khách đến đây ngoài ngắm tranh có thể kết hợp tham quan làng chài và tắm biển.

Đảo Bé Lý Sơn.

Làng bích họa Cảnh Dương ở Quảng Bình quy mô không lớn bằng làng Tam Thanh nhưng những hình vẽ cũng rất đẹp, khắc họa được hình ảnh người dân làng chài chân chất cũng như tinh thần chiến đấu chống giặc ngoại xâm của người dân nơi này. Tại đây, Trung ấn tượng nhất với bức tranh cây đa cổ thụ, hòa mình với khung cảnh bên ngoài. Điều mà Trung gặp được tại tất cả làng bích họa ven biển mà anh từng ghé thăm là những bức vẽ tuyên truyền bảo vệ thiên nhiên và môi trường biển mà theo anh, rất ý nghĩa.

Nếu ở Hà Nội và muốn tìm kiếm một địa điểm mới mẻ vào dịp cuối tuần, làng bích họa Chử Xá là một lựa chọn thú vị. Nằm trên bãi bồi ven sông Hồng, bích hoạ làng Chử Xá truyền tải những hình ảnh quen thuộc của vùng quê Bắc Bộ với gánh hàng rau, lũy tre, cánh đồng... Theo Trung, những bức tranh tường tại đây giúp khách du lịch hiểu hơn về văn hóa nông nghiệp và thêm trân trọng các ngành nghề truyền thống của quê hương. Du khách có thể tham quan gộp với làng gốm Bát Tràng và làng hoa Xuân Quan gần đó.

Những chuyến đi đến các làng bích họa cũng để lại cho Trung những kỷ niệm đẹp. Ghé làng chài bích họa Vĩnh Trường (Khánh Hòa), anh gặp những người phụ nữ đang ngồi đan và vá lưới. "Ban đầu, mình chỉ định xin phép chụp ảnh cùng nhưng thấy các cô làm rất tỉ mỉ nên có trò chuyện và hỏi thăm. Sau đó, họ kể cho mình nghe về công việc và cuộc sống mưu sinh và còn hướng dẫn mình cách đan lưới. Vậy là mình không chỉ được ngắm bích họa mà còn tận mắt, tận tay được trải nghiệm cuộc sống ở nơi đây", Trung hào hứng kể lại.

Cuộc sống của ngư dân như hòa làm một với bức bích họa tại làng chài Vĩnh Trường (Khánh Hòa).

Đường đến những làng bích họa thường dễ tìm, dễ đi và dễ hỏi thăm. "Có những nơi chỉ cần theo Google Maps là đến, có nơi phải hỏi thăm người dân mới đến được chính xác. Làng bích hoạ dễ tìm nhất là Cảnh Dương vì nằm gần quốc lộ 1A và biển, khó tìm nhất là Chử Xá vì khá xa trung tâm Hà Nội (18 km), ở bãi bồi ven sông Hồng", Trung cho biết.

Trung thường hay chia sẻ những bức ảnh chụp làng bích họa lên mạng xã hội và nhận được nhiều lượt yêu thích. Bạn bè, những người yêu du lịch thường bình luận khen cảnh đẹp, hỏi anh địa chỉ để sau này có dịp ghé thăm. Ngoài ra anh cho biết, những bức ảnh về làng bích họa cũng nhận được tương tác tốt hơn các địa điểm khác do hình ảnh độc lạ, gần gũi, màu sắc bắt mắt.

Theo Trung, những bức bích họa giúp một làng quê từ ít người biết đến trở nên nổi bật và thu hút du khách hơn, trở thành một điểm du lịch mới của địa phương. Những bức sặc sỡ là điểm tham quan chụp hình phù hợp với mọi lứa tuổi, mọi hình thức du lịch. Những con đường bích họa thường nhỏ, không mất phí tham quan. Du khách vì thế có thể thuận tiện dạo quanh và chụp ảnh trong ngày.

Trong tương lai, Trung sẽ tiếp tục khám phá và ghé thăm nhiều làng bích họa nữa để có cái nhìn tổng quan hơn, lan tỏa niềm yêu thích du lịch và nghệ thuật đến mọi người. "Còn rất nhiều làng bích họa mình muốn ghé thăm như ở Đà Nẵng, Huế, Ninh Thuận, Quảng Ninh... Nhiều làng bích họa mới xuất hiện, ít thông tin trên Internet. Mình thậm chí từng đi lướt qua nhưng tiếc là khi về mới biết. Khi hết dịch, mình sẽ đi Thừa Thiên Huế đầu tiên do ở đó có 3 làng, con đường bích họa mà bạn có thể ghé thăm", Trung nói.

Trung Nghĩa